1. Sự tự quyết và độc lập
Một môi trường làm việc tuyệt vời là nơi nhân viên có được sự lạc quan và tích cực. Sự hài lòng trong công việc chủ yếu bắt nguồn từ sự tự quyết và độc lập. Tôi quan tâm khi nó là “của tôi”, tôi quan tâm khi tôi tự chịu trách nhiệm và có quyền làm điều tôi cho là đúng.
Ngoài ra, tự do sinh ra đổi mới. Bất cứ khi nào có cơ hội, hãy dành cho nhân viên của bạn quyền tự quyết và độc lập để họ có thể làm theo cách mà họ cho là tốt nhất. Khi đó, bạn sẽ thấy họ tìm được những cách tốt hơn bạn có thể tưởng tượng.
(Ảnh minh họa)
|
2. Yêu cầu rõ ràng
Bạn sẽ làm cho công việc của nhân viên trở nên “bất khả thi” nếu như bạn chê trách nhân viên vì đã giảm giá cho một khách hàng khó tính, trong khi hôm qua cách làm đó được coi là có thể chấp nhận được. Nhân viên của bạn sẽ rất căng thẳng khi họ chẳng thể nào biết được yêu cầu của bạn có thể sẽ thay đổi ra sao từ hôm trước đến hôm sau.
Một nhà quản lý tốt khi thay đổi tiêu chuẩn hoặc đưa ra những hướng dẫn mới sẽ ngay lập tức thông tin về sự thay đổi này và giải thích tại sao lại có sự thay đổi như vậy, đồng thời cũng nói rõ yêu cầu mà nhân viên cần đạt được trong tương lai.
3. Mục tiêu có ý nghĩa
Hầu hết mọi người đều có tính cạnh tranh, những nhân viên tốt nhất là những người có tính cạnh tranh cao, đặc biệt là với chính bản thân họ. Những mục tiêu có ý nghĩa thường tạo nên động lực, kể cả đối với những công việc lặp đi lặp lại.
Không có mục tiêu để hướng tới, công việc chỉ đơn thuần là công việc, không tạo được hứng khởi.
4. Cơ hội tham gia ý kiến
Những nhân viên nhiệt tình thường có những ý tưởng mới. Nếu bạn gạt bỏ ý tưởng của nhân viên mà không cân nhắc, bạn sẽ giết chết sự nhiệt tình của họ. Một nhà quản lý tốt sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho nhân viên đưa ra ý tưởng. Họ hỏi những câu hỏi dẫn dắt. Họ thăm dò một cách nhẹ nhàng. Một khi ý tưởng của nhân viên là không phù hợp, họ cũng sẽ dành thời gian giải thích tại sao.
Người quản lý tốt là người hiểu rằng những nhân viên có nhiều ý tưởng là những người quan tâm đến công ty. Bởi vậy họ luôn đảm bảo rằng những ý tưởng của nhân viên được trân trọng và đánh giá cao.
5. Có cảm giác về sự gần gũi, gắn kết
Mọi người đều làm việc không chỉ vì tiền. Họ muốn làm việc với những người mà họ tôn trọng, ngưỡng mộ và ngược lại, muốn được người khác tôn trọng bản thân.
Đó là lý do tại sao mà một lời nói tử tế, một lời hỏi thăm về gia đình, một lời đề nghị giúp đỡ giản dị lại là những điều quan trọng hơn họp nhóm hay những đánh giá chính thức.
Một mối liên hệ thực sự là mối liên hệ mang tính cá nhân. Một nhà quản lý tốt cho thấy họ trân trọng nhân viên, không phải như một người làm thuê.
6. Sự nhất quán và công bằng
Cách tốt nhất để cho nhân viên thấy được sự nhất quán và công bằng của sếp chính là qua giao tiếp. Nhân viên càng hiểu rõ lý do khi bạn đưa ra một quyết định thì họ càng ít nghĩ tới sự bất công hay thiên vị.
7. Phê bình một cách riêng tư
Mọi nhân viên đều mong muốn những góp ý mang tính xây dựng. Tốt nhất, nếu việc không quá to tát thì góp ý cần được thực hiện một cách riêng tư.
8. Khen ngợi công khai
Mọi nhân viên, dù là những nhân viên yếu kém nhất, cũng có lúc làm việc tốt. Và họ xứng đáng được khen ngợi và đánh giá cao. Nhưng đôi khi bạn sẽ thấy khó khăn khi muốn tìm ra một lý do để khen ngợi một nhân viên bình thường. Và đôi lời khen ngợi, một cách công khai dành cho những nhân viên đó có thể là điểm khởi đầu cho họ để trở thành một nhân viên tốt.
9. Cơ hội hướng tới sự thành công trong tương lai
Một nhà quản lý tốt sẽ tạo điều kiện cho nhân viên của mình phát triển mảng công việc mà họ hy vọng sẽ thành công.
Làm sao để bạn biết được nhân viên của bạn hy vọng điều gì? Hãy hỏi họ.
Nhân viên sẽ quan tâm đến công việc của bạn nếu bạn thể hiện sự quan tâm của bạn tới công việc của họ. Cách tốt nhất là hãy cho họ thấy khi bạn quan tâm đến tương lai của công ty, bạn cũng quan tâm tới tương lai của chính họ.