Lưu ý khi mắc lỗi trong công việc

Trong khi nhân viên có thể học hỏi, rút kinh nghiệm và tiến bộ qua những lần mắc lỗi, thì công ty có thể phải hao tốn nhiều chi phí cho những lỗi lầm đó. Mặc dù vậy, một nhà lãnh đạo tài ba là người biết cách cho phép nhân viên mạo hiểm ở những tình huống nhất định, nhưng công ty vẫn không bị rơi vào tình thế khó khăn.

(Ảnh minh họa)

Việc đầu tiên cần làm là xác định được mảng công việc cho phép nhân viên mắc lỗi mà không gây quá nhiều tổn thất cho công ty. Ở mảng việc liên quan tới quyền lợi của khách hàng cũng như niềm tin của khách hàng đối với công ty thì việc làm mạo hiểm hay nhiều rủi ro cần được hạn chế, đặc biệt khi không có sự tham gia hoặc giám sát chặt chẽ của người điều hành. Ngoài các lĩnh vực đó, có thể cho phép nhân viên thử nghiệm những cách mới và tốt hơn cho công việc của họ.

Mắc lỗi một lần thì có thể được chấp nhận, nếu lỗi đó thực sự là do muốn thử nghiệm một cách làm mới tốt hơn cho công việc. Mắc lỗi một lần thì được nhưng mắc lỗi tương tự lần thứ hai thì không. Mắc lỗi lần đầu thì mọi người trong công ty sẽ cùng bạn sửa chữa sai lầm đó nhưng mắc lỗi tương tự lần hai thì mình bạn phải đối mặt với hậu quả.

Hầu hết chúng ta đều từng ít nhất một lần mắc lỗi trong quá trình làm việc. Nếu như không mắc lỗi thì đồng nghĩa với việc không dám ra khỏi “vùng an toàn” để thử nghiệm cái mới, và chính đó là một sai lầm. Quá trình học hỏi cái mới là con đường tốt nhất để hoàn thiện bản thân. Nếu như bạn chẳng bao giờ mắc lỗi có nghĩa là bạn chẳng làm gì cả. Sai sót là con đường dẫn đến những ý tưởng lớn và sự đổi mới. Lỗi lầm không phải là thất bại mà là phương pháp loại trừ những cách làm không hiệu quả và đưa chúng ta đến gần hơn tới cách làm đúng.

Người lãnh đạo tài ba cho phép nhân viên của mình mắc lỗi. Còn những nhân viên giỏi, khi mắc lỗi sẽ:

1. Học hỏi từ đó: Một nhân viên tốt biết nhận ra rằng họ đã mắc sai lầm. Họ không bảo thủ mà cố gắng nhìn nhận vấn đề một cách tích cực xem mình đã sai ở đâu, tìm hiểu nguyên nhân tại sao sự lựa chọn hoặc hành động của mình là sai.

2. Thừa nhận sai lầm: Dám chịu trách nhiệm với những sai lầm của mình. Không cố bào chữa mà thừa nhận sai sót và cởi mở chia sẻ về bài học họ đã rút ra qua sai lầm đó.

3. Sửa chữa sai lầm: Một nhân viên tốt dám chấp nhận những tổn thất để bù đắp lại sai lầm mình đã gây ra. Họ sẵn sàng làm những gì có thể để sửa sai. Tất nhiên, có thể có những sai lầm không có cơ hội sửa chữa nhưng quan trọng là họ biết cố gắng hết sức để giải quyết phần nào hậu quả. Họ cũng đưa ra thời hạn và có thông tin đầy đủ về các bước giải quyết hậu quả để mọi người đều nắm được.

4. Rút kinh nghiệm và đảm bảo không mắc lỗi tương tự: Đây là một bước quan trọng. Khi  sai lầm đã xảy ra, điều tối cần thiết là xác định được nguy cơ dẫn đến sai lầm đó và tìm phương án giải quyết để không lặp lại một lần nữa. Ghi lại kinh nghiệm này và trao đổi với mọi người để không chỉ bạn mà cả những người khác sẽ không phải trải nghiệm điều tương tự.

Nên áp dụng điều này cho mọi khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Dù trong công việc, trong gia đình hay trong cuộc sống cá nhân, bạn nên duy trì nguyên tắc này.

Thực hiện đúng 4 bước nêu trên, bạn sẽ thấy sự tin tưởng và tôn trọng của đồng nghiệp dành cho bạn tăng lên gấp nhiều lần. Lỗi lầm của bạn sẽ dễ dàng được bỏ qua và bạn cũng có nhiều khả năng có cơ hội thứ hai.

Mắc lỗi không phải là vấn đề, vấn đề là bạn sẽ làm gì sau đó.


  • 30/04/2013 10:11
  • Thu Huyền (biên dịch theo http://www.forbes.com)
  • 3305


Gửi nhận xét