5 điều người quản lý cần làm tốt hơn nữa

Năm qua có thể là một năm thành công của bạn với tư cách là một người quản lý khi các dự án hoàn thành xuất sắc, nhân viên trong phòng hợp tác tốt với nhau… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều bạn nên làm tốt hơn nữa.

Là người trực tiếp giao việc, lãnh đạo nhân viên, cấp quản lý cũng chính là người bảo vệ nhân viên của mình (ảnh minh họa)

Xử lý nhanh gọn những vấn đề cá nhân

Không gì khó chịu với nhân viên hơn là phải làm việc với những đồng nghiệp chuyên gây phiền toái. Họ cảm thấy không thoải mái khi phải làm việc với những người đồng nghiệp như vậy và càng bất mãn hơn nữa nếu cấp trên không có cách giải quyết vấn đề. Họ sẽ thấy thất vọng vì sếp không thực sự quan tâm đến tâm tư tình cảm của mình.

Nếu nhân viên nào hay gây phiền hà cho người khác, bạn phải có trách nhiệm nhắc nhở thái độ làm việc của người đó. Cần thẳng thắn chỉ ra sai lầm của nhân viên. Nếu bạn không hành động, những nhân viên khác có thể sẽ nảy sinh những hành động tiêu cực: Đi làm muộn, lười biếng, đùn đẩy công việc, hay xem tin tức cả ngày thay vì làm việc...

Khen ngợi nhân viên nhiều hơn

Nhiều nhà quản lý nghĩ rằng việc nhân viên làm tốt công việc của họ là việc đương nhiên. Khen ngợi họ là điều không cần thiết hay thậm chí là không nên vì dễ gây ra tính tự phụ ở nhân viên. Tuy nhiên, chính họ sẽ thấy ngạc nhiên khi biết rằng những lời nhận xét tích cực, những lời cổ vũ hay khen ngợi sẽ giúp nhân viên tăng động lực làm việc và nâng cao hiệu quả công việc như thế nào.
Bạn không nhất thiết phải chờ đến những cuộc đánh giá chất lượng công việc cuối năm mới thể hiện sự ngợi khen của mình với nhân viên.

Lãnh đạo nhiều hơn, quản lý ít hơn

Quản lý nghĩa là thiết lập cơ cấu tổ chức cho công việc, trong khi đó lãnh đạo là truyền cảm hứng cho công việc. Vậy làm thế nào để lãnh đạo nhiều hơn?

Trước hết, bạn cần phải giao tiếp với nhân viên nhiều hơn. Mặc dù, đối với nhiều người, họp văn phòng chỉ là việc nghe báo cáo hay cần phê bình ai đó, những thực sự chúng rất cần thiết đề có thể truyền lửa cho nhân viên, giúp họ thấy rõ tầm nhìn của tổ chức, hướng phát triển tích cực và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của họ vào sự thịnh vượng của tổ chức.

Thứ hai là, hãy làm việc chăm chỉ hơn nữa để tạo dựng tiếng tăm cho phòng, nhóm của mình. Điều này đòi hỏi bạn phải thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ với mọi người trong ban giám đốc và những phòng ban khác.

Là người bảo vệ cho cả phòng/nhóm

Đôi khi, vì nỗ lực giúp công ty hoàn thành sứ mệnh của mình, bạn có thể giao nhiều việc hơn cho nhân viên và đòi hỏi họ một kết quả hoàn hảo. Điều này sẽ khiến nhân viên cảm thấy áp lực và không được quan tâm. Họ sẽ nghĩ sếp không phải là người bảo vệ của họ, rằng họ không đóng góp gì nhiều cho công ty mà chính là góp phần nhiều hơn vào sự phát triển sự nghiệp của riêng sếp. Vì vậy, sếp tốt phải là người biết lo lắng cho sự phát triển của toàn bộ nhóm bởi thành công của nhóm chính là thành công của bạn.

Cởi mở với những ý tưởng mới

Những nhà quản lý thành công không chỉ sẵn sàng đưa ra những phản hồi, họ lắng nghe những ý tưởng mới, thảo luận chi tiết hơn với người đưa ra ý kiến. Bạn không nên khiến nhân viên cảm thấy lo lắng mỗi khi họ có những ý kiến mới. Ngoài ra, để trở thành một người quản lý tốt, bạn cũng phải biết nhận sai. Dũng cảm đối mặt với sai lầm của mình, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của nhân viên hơn.


  • 30/01/2013 05:03
  • Theo Dân Trí
  • 1945


Gửi nhận xét