Cần tạo được mối quan hệ hòa đồng với nhân viên (ảnh minh họa)
|
1. Suy nghĩ cởi mở
Một sai lầm phổ biến mà các nhà quản lý mới thường gặp phải là luôn giải quyết công việc một chiều, với những kế hoạch có sẵn mà gạt ngay ý kiến đóng góp của nhân viên. Các vị sếp trẻ thường muốn khẳng định quyền lực nên bất chấp ý kiến của mọi người, cứ tự mình ra quyết định. Điều đó gây tổn hại đến tinh thần của cấp dưới, khiến họ cảm thấy không thoải mái và phải làm việc trong trạng thái ức chế.
Là một vị sếp trẻ, lại lần đầu làm sếp, bạn đừng quá cứng nhắc theo hướng của những người đi trước. Tuổi trẻ tài cao với nhiều sáng tạo, đừng gò mình theo những suy nghĩ có sẵn và càng không nên bắt nhân viên của mình vào khuôn khổ sáo mòn. Trước khi đưa ra quyết định thực hiện một công việc gì, bạn nên phân chia thành các nhóm, thu thập ý kiến phản hồi của mọi người rồi mới thống nhất hướng đi cuối cùng.
Nếu thấy ý kiến của các đồng nghiệp là xác đáng, đừng vì tự ái cá nhân mà bỏ qua. Nên nhớ rằng, dù bạn là sếp nhưng nhân viên của bạn rất nhiều người dày dặn kinh nghiệm, họ có nhiều ý tưởng tốt để cải thiện năng suất công việc và hiệu quả làm việc của cả nhóm. Vì thế, đừng vì cái tôi quá lớn mà gạt hết đóng góp của mọi người, bởi chính nhân viên của bạn cũng chờ đợi ở vị sếp trẻ nhiều ý tưởng đột phá.
2. Hiểu nhân viên của mình
Điều quan trọng là bạn phải tạo được mối quan hệ tốt với các nhân viên. Dù họ có tuổi đời và tuổi nghề hơn hay kém bạn, đã là sếp, bạn nên tạo không khí hòa đồng, vui vẻ để mọi người thoải mái làm việc.
Bạn cần hiểu rõ nhân viên của mình, cũng là để bạn dễ dàng hơn khi phân công công việc. Nhiều vị sếp tỏ ra khó chịu, sợ nhân viên hơn mình và cứ thể vùi dập hết mọi khả năng, ưu thế, không cho nhân viên phát triển. Tuy nhiên, là một vị sếp trẻ tuổi, bạn cần có cái nhìn tiến bộ hơn bằng cách dành thời gian tìm hiểu thế mạnh, hạn chế của từng nhân viên, đánh giá khả năng hoàn thành và chịu trách nhiệm trong công việc của họ.
Ngoài ra, bạn cần để ý xem mỗi người có nguyện vọng gì và năng lực của họ có phù hợp hay không. Hãy xác định những gì bạn có thể làm để thúc đẩy lợi ích của họ và tận dụng tốt những kỹ năng, kinh nghiệm của nhân viên. Sau đó, bạn nên có chế độ đãi ngộ phù hợp để đảm bảo giữ chân được người tài, công việc được "xuôi chèo mát mái".
3. Xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp
Để có thể duy trì vị trí quản lý lâu dài và hiệu quả, bạn cần xây dựng một đội ngũ nhân viên cấp dưới chuyên nghiệp, phân công công việc rõ ràng. Khi có những việc gấp cần hoàn thành sớm, bạn có thể yêu cầu nhân viên của mình làm thêm giờ, hoặc ở lại văn phòng muộn hơn. Bạn sẵn sàng đứng ra giải quyết mọi khúc mắc khi nhân viên có mâu thuẫn trong công việc.
Nhiều người quản lý mắc sai lầm khi phân công một người quá nhiều việc và sự ôm đồm đấy không mang lại hiệu quả tích cực mà chỉ như "đẽo cày giữa đường". Vì thế, hãy cẩn thận để không một thành viên nào trong nhóm của bạn rơi vào tình trạng nhiều việc nhưng chẳng việc nào hoàn thành tốt. Cấp dưới của bạn cần có sự phân chia hợp lý, chuyên nghiệp cao để khi cần đến vấn đề nào bạn cũng có ngay chuyên gia "cây nhà lá vườn".
4. Tuân theo sự giám sát
Để công việc tiến hành thuận lợi, dù giữ vị trí quản lý, bạn cũng nên có người theo dõi công việc, nhắc nhở bạn họp hành, thời hạn hoàn thành công việc...
Ngoài ra, bạn cũng nên để các nhân viên kiểm tra chéo cho nhau, để đánh giá hiệu quả công việc một cách khách quan. Tất nhiên, như thế không có nghĩa là bạn cứng nhắc bắt mọi người phải tuân theo một quy chuẩn chung. Bạn nên để một lối mở cho những ý kiến sáng tạo, đóng góp mới của các nhân viên và đặt mục tiêu, ưu đãi rõ ràng. Vị trí của bạn sẽ càng được củng cố và cấp dưới sẽ hài lòng vì sự nghiêm khắc nhưng lại thấu tình đạt lý của bạn.