Tư duy:"Ly nước vẫn còn một nửa"

Hãy tưởng tượng trước mặt bạn là một ly nước đã uống cạn một nửa. Với người suy nghĩ theo kiểu tiêu cực, họ sẽ nói rằng: "ly nước đã vơi còn một nửa", nhưng đối với người tư duy tích cực, họ sẽ phát biểu rằng: "ly nước vẫn còn đến một nửa". Tư duy tích cực là kỹ năng giúp bạn nhìn các vấn đề một cách lạc quan và thấu đáo, để từ đó dễ dàng tiến đến thành công trong sự nghiệp hơn.

Người có tư duy tích cực sẽ nghĩ "ly nước đã đầy một nửa" (ảnh minh họa)

Một người có tư duy tích cực sẽ luôn nhìn thấy mặt sáng của vấn đề, tức là trong mọi tình huống và hoàn cảnh, họ sẽ nhìn thấy rõ những gì tốt đẹp, những tác dụng tích cực, những cơ hội, những niềm vui, những lợi ích hoặc chí ít cũng là những bài học mà tình huống, hoàn cảnh đó mang lại.
 
Tư duy tích cực để thấy "mặt sáng" của vấn đề

Nếu thể xác của chúng ta cần đến thức ăn và nước uống thì trí óc của chúng ta cũng cần đến những ý nghĩ khiến ta cảm thấy hưng phấn và hoạt động hiệu quả hơn, đem lại cảm giác vui sống, hạnh phúc và an bình. Một người có tư duy tích cực sẽ luôn nhìn thấy "mặt sáng" của vấn đề, tức là trong mọi tình huống và hoàn cảnh, họ sẽ nhìn rất rõ những gì tốt đẹp, những tác dụng tích cực, những cơ hội, những niềm vui, những lợi ích hoặc chí ít cũng là những bài học mà tình huống, hoàn cảnh đó mang lại.
 
Lợi ích của tư duy tích cực

Nếu một ngày nào đó bạn bị sếp khiển trách gay gắt thì bạn có hai lựa chọn: Một là chống lại sếp và cho rằng sếp khó chịu, hai là bạn thấy đây là sếp cho mình cơ hội hiểu và tránh lỗi sai lầm chết người để thành công và thăng tiến. Hẳn bạn thấy ngay suy nghĩ thứ hai sẽ giúp bạn vui vẻ và làm việc hiệu quả hơn. Bạn sẽ nhanh chóng, sáng suốt tìm giải pháp để làm việc tốt hơn.

Và nếu một ngày đẹp trời bạn đột nhiên bị loại ra khỏi công ty, thì bạn hãy nghĩ rằng đây là cơ hội để mở ra những cánh cửa mới. Nơi mới rất có thể sẽ phù hợp hơn với mình, sếp mới biết trân trọng những gì mình làm hơn sếp cũ. Bạn sẽ ra khỏi công ty cũ với nụ cười nhẹ nhõm, ngẩng cao đầu và thấy trời xanh hơn bao giờ hết.

Chuyện xưa kể rằng có một thiếu phụ gặp rất nhiều trắc trở trong cuộc sống. Chồng đã bỏ cô đi từ lâu với người khác, con thì bỏ học giữa chừng, đi làm ăn xa ít khi về nhà thăm mẹ. Cô bèn lên chùa và khóc với sư thầy: “Sao con khổ thế này?”. Nhà sư ôn tồn nhìn cô hồi lâu mới hỏi một câu duy nhất: “Ai đã làm con khổ?”. Thiếu phụ cúi đầu rơi lệ, ngẫm nghĩ rất lâu. Dòng lệ đang tuôn không còn lã chã nữa. Một ngày, hai ngày... một tháng sau người thiếu phụ hớn hở đến chào sư phụ để về nhà. Cô nói: “Thưa thầy, chính con mới là người đã khiến con bất hạnh trong những tháng ngày qua. Con giờ đã thấy mình thực sự hạnh phúc vì sẽ không còn phải chung sống đến cuối đời với con người đã không còn yêu thương mình. Con thấy tự hào vì sinh ra được một đứa con tuyệt vời biết sống tự lập và dấn thân, không nỡ là gánh nặng làm phiền cha mẹ. Và trên hết con hiểu rằng, sướng khổ là do chính ta mà thôi”.

Người thiếu phụ đã trải qua quãng đời đẹp nhất mà không hạnh phúc bởi không biết cách "tư duy tích cực". Tư duy tích cực giúp bạn sống hiệu quả hơn, thành công và hạnh phúc hơn.
 
Rèn luyện kỹ năng tư duy tích cực

Chính suy nghĩ bên trong của bạn sẽ điều khiển cuộc đời bạn như người thiếu phụ trên. Do đó, việc đầu tiên là bạn phải muốn mình là người có tư duy tích cực và muốn thay đổi những suy nghĩ buồn rầu tiêu cực vốn như những liều thuốc độc của tâm trí.
 
Nguyên tắc cực kỳ đơn giản, bạn có thể tập luyện ngay là, mỗi khi đánh giá hoàn cảnh của mình hay tình hình hiện tại, bạn tưởng tượng như đang nhìn vào ly nước ở ví dụ trên vậy - ly nước càng ít nước thì cơ hội của bạn để cải thiện càng nhiều. Nếu như bạn có thể tìm ra những cách thức tốt hơn nếu làm lại lần nữa, hãy liệt kê ra càng nhiều càng tốt. Hãy suy nghĩ về những điều may mắn mà hoàn cảnh đã mang lại, cả những thiệt hại mà bạn đã may mắn tránh được... Một khi bạn đã duy trì bài tập này liên tục được một tuần, thì hòn đá đã lăn và bạn sẽ giữ vững được thói quen tư duy tích cực của mình.

Tư duy tích cực giúp bạn làm việc hiệu quả và sống hạnh phúc hơn (ảnh minh họa)

Bạn có thể tham khảo qui tắc 3C - Commitment, Control, Chalenge (Cam kết, Kiểm soát, Thách thức) để hỗ trợ việc hình thành lối sống tích cực:
 
1.Cam kết

Không dễ thực hiện điều này nếu bạn không có quyết tâm và bền chí. Thật khó suy nghĩ tích cực khi những rào cản luôn hiện diện như thói quen, sự lười biếng, định kiến...

Bạn hãy thử:
-  Bỏ ra 30 phút buổi sáng chạy quanh khu phố
-  Một tuần đọc một cuốn sách hay
-  Một tuần uống cà phê vào một buổi quy định với những người bạn yêu qúy
...
-  Gọi điện thoại cho bố mẹ mỗi tuần một lần
 
2. Kiểm soát

Hãy đề ra các biện pháp để kiểm soát tâm trí, ví dụ như mỗi khi phát hiện ra mình đang sa vào lối suy nghĩ tiêu cực, hãy đánh dấu đen vào cuốn lịch; còn nếu bạn suy nghĩ theo cách tích cực, đánh một dấu đỏ. Theo dõi và tập vui mừng vì bạn sẽ thấy những dấu màu đỏ ngày càng chiếm tỉ lệ nhiều hơn còn những dấu đen sẽ nhanh chóng mất hẳn.
 
Kiểm soát các hành vi của bản thân bằng cách tập để luôn luôn dự đoán trước kết quả mà các hành vi của bạn sẽ có thể mang lại. Nếu kết quả đó có thể chưa tốt lắm, bạn hãy đưa ra các giải pháp để cải thiện tình hình, trước khi bước vào hành động để có được kết quả tốt hơn.
 
3. Thách thức

Đây chính là một điều quan trọng để có thể khẳng định niềm tin mạnh mẽ của bạn vào lối tư duy tích cực. Mỗi khi đứng trước một khó khăn, một sự tồi tệ, một thói quen nào đó, bạn hãy thách thức nó thay vì lảng tránh. Hãy thách thức bản thân để tìm ra các giải pháp cho dù việc đó rất khó, hãy thách thức mình vượt qua được tình huống tồi tệ với những cách cư xử tốt nhất. Bạn có thể sẽ bất ngờ vì những niềm vui lớn lao mang lại cho cuộc sống của mình từ cách tư duy mới mẻ này.


  • 28/09/2012 09:33
  • Theo Phunungaynay.vn
  • 18282


Gửi nhận xét