Bí mật trong việc tạo động lực làm việc cho nhóm của bạn

Khi nhân viên của bạn làm một việc gì đó xuất sắc – hoàn thành dự án 3 tuần trước hạn, tìm ra một giải pháp mới trong công việc hoặc đơn giản là hạ hỏa một khách hàng đang nóng giận – bạn, với cương vị là một quản lý muốn thưởng cho nhân viên của mình. Nhưng bạn lại không phải là người đứng đầu công ty để dễ dàng tặng cho họ vài ngày nghỉ hoặc một phần thưởng hậu hĩnh. Thực tế, một trong những cách hiệu quả nhất để thưởng cho nhân viên của bạn chính là việc nhìn nhận những cố gắng của họ.

(Ảnh minh họa)

Một nghiên cứu do Bersin and Associates (một công ty nghiên cứu và tư vấn dịch vụ) thực hiện cho thấy, những công ty quan tâm đến sự động viên, khen ngợi thường xuyên dành cho nhân viên thì có nhiều dấu hiệu cho thấy nhân viên làm việc tại những công ty đó vui vẻ hơn và có xu hướng lặp lại những hành vi tốt của mình nhiều hơn.

Khen ngợi nhân viên có thể không khó khăn, nhưng trước khi bạn đưa ra lời khen, hãy làm theo những hướng dẫn sau đây để đảm bảo sự khen ngợi của bạn đem lại một hiệu quả tốt nhất.

Đợi đến khi thực sự xứng đáng

Sự khen thưởng đối với nhân viên giống như một cách để thúc đẩy họ cố gắng, nhưng nếu tất cả mọi người trong một nhóm đều cùng nhận được một lời khen kiểu như “Các bạn làm tốt lắm!” thì thực tế sẽ chẳng có động lực nào được tạo ra. Mỗi người đều nên được nhìn nhận và khen ngợi khi họ làm tốt, nhưng hãy đợi đến khi họ thực sự tốt và lời khen được dành cho riêng họ khi đến thời điểm phù hợp.

Một lời khen chung chung dành cho tất cả mọi người và được nói ra chỉ bởi vì không muốn làm cho ai đó tổn thương sẽ làm mất đi giá trị của lời khen. Khen ngợi sự xuất sắc của một thành viên trong nhóm không có nghĩa bạn phải tìm cách ca ngợi cả những thành viên còn lại.

Chọn cách khôn ngoan để truyền đạt sự khen ngợi

Một số nhân viên thích được khen trước toàn thể công ty cùng với tiếng vỗ tay của mọi người.

Nhưng cũng có những người cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng khi đứng trước đông người dù là để được khen ngợi. Họ thích được khen ngợi trực tiếp, mặt đối mặt trong văn phòng của bạn hơn. Là một nhà quản lý, bạn cần biết hiểu nhân viên của mình để biết họ muốn được khen theo cách nào.

Đáng ngạc nhiên là lời khen không nhất thiết cứ phải bằng miệng – lời khen cũng có hiệu quả cao khi gửi qua email. Có thể gửi mail qua group mail (thư nhóm) của công ty. Cách làm này vừa riêng tư, nhưng đồng thời cũng thông tin được đến một số người khác.

Nói tóm lại, dù bạn lựa chọn phương pháp nào, hãy lưu tâm bạn đang khen nhân viên của mình với ai. Kể cả những nhân viên hay ngại ngùng trước đám đông cũng vẫn cảm kích nếu bạn khen họ trước chủ tịch hay giám đốc công ty.

Cụ thể hóa lời khen

Mặc dù “tốt” hay “tuyệt vời” có vẻ là một lời khen có nhiều tác động tích cực, nhưng nhân viên thường cảm kích hơn khi được khen ngợi một cách cụ thể, vì sao mình được khen và vì sao việc làm của họ lại quan trọng đối với công ty. Ví dụ, bạn có một nhân viên vừa tìm được một khách hàng mới, một lời khen được coi là:

Tốt: “Cảm ơn cô đã rất cố gắng!”

Tốt hơn: “Cảm ơn cô đã rất cố gắng để giành được khách hàng đó về cho công ty!”

Tốt nhất: “Tôi muốn nói rằng tôi đánh giá cao những cố gắng của cô để giành được khách hàng A về cho công ty. Chúng ta đã theo đuổi khách hàng này nhiều tháng trời, và cô là người đã nỗ lực hơn cả để thành công trong việc này. Điều này không chỉ tốt cho cô mà cho cả công ty”.

Trong những ví dụ nêu trên, lời khen ở mức “tốt” nghe quá chung chung, có thể dành cho bất cứ ai với bất cứ công việc nào. Lời khen ở mức “tốt hơn” thì cụ thể hơn, nhưng lời khen ở mức “tốt nhất” mới thực sự có hiệu quả cao. Nó giải thích tại sao việc làm của nhân viên là quan trọng và những lợi ích đem lại từ đó là gì.

Thông tin cho người khác biết

Việc khen ngợi nhân viên chủ yếu đến từ người quản lý trực tiếp, nhưng bên cạnh đó, Bersin and Associates cũng gợi ý rằng việc thừa nhận và khen ngợi những cố gắng của một nhân viên cũng nên đến từ đồng nghiệp của họ.

Chúng ta không thể buộc nhân viên khen ngợi nhau, nhưng có thể khuyến khích và phổ biến điều đó như là một nét văn hóa trong doanh nghiệp. Ví dụ khi bạn điều hành một cuộc họp nhóm, hãy hỏi các nhân viên để chia sẻ kinh nghiệm khi nhận thấy một đồng nghiệp nào đó làm được một việc mà họ đánh giá cao.

Cuối cùng, có thể bạn đang đặt câu hỏi rằng tần suất của việc khen ngợi nên ở mức độ nào? Liệu bạn đã bao giờ nghe nhân viên phàn nàn là họ được khen ngợi quá nhiều? Chỉ cần bạn xác định được sự khen ngợi là cụ thể và xứng đáng, không có giới hạn cho việc khen ngợi và đánh giá tốt dành cho nhân viên.


  • 24/05/2013 02:33
  • Huyền Thu (biên dịch theo www.thedailymuse.com/career)-your-team/
  • 3085


Gửi nhận xét