Những hạn chế khi làm việc ở nhà

Việc viết báo cáo trong khi nằm dài trên giường đem tới cho bạn một cảm giác thoải mái và dễ chịu hơn hẳn khi ngồi ở văn phòng. Tuy nhiên, làm việc ở nhà cũng có một loạt nhược điểm mà bạn cần cân nhắc.

Với các điều kiện công nghệ ngày càng tiện lợi, làm việc ở nhà dường như đã trở thành một giải pháp thú vị cho những nhân viên công sở muốn tiết kiệm thời gian tới văn phòng mỗi ngày hay những doanh nhân nuôi ý tưởng điều hành công ty từ phòng khách của nhà mình.

Nhưng vạch ra ranh giới giữa công việc và những chuyện ở nhà không phải là dễ.  Những chuyện gây phân tâm như con cái, giặt giũ, nấu nướng… rất dễ làm bạn mất tập trung. Chưa kể, ngày làm việc không có một lịch cụ thể có thể khiến công việc bị dồn ứ và bạn phải “chạy bở hơi tai” mới hoàn thành.

“Nhiều người nghĩ rằng, làm việc ở nhà thật tuyệt”, ông Stewart Friedman, Giám đốc một dự án nghiên cứu về công việc và cuộc sống ở Đại học Pennsylvania, nói. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, điểm khó nhất khi làm việc ở nhà là “vạch ra những ranh giới để giúp bạn giữ tập trung”.

Ảnh minh họa.

Dưới đây là một số hạn chế khi làm việc ở nhà:

Đối với nhân viên công sở:

1. Mất cơ hội phối hợp trực tiếp với đồng nghiệp trong công việc

Làm việc một mình ở nhà, bạn sẽ không phải đối mặt với các trò “chơi xấu” ở công sở. Tuy nhiên, ngoài những đồng nghiệp xấu, cũng có những đồng nghiệp tốt, có thể giúp bạn giải tỏa những bức bối trong công việc và cùng nhau hợp tác trong những công việc quan trọng. Nếu không thường xuyên tiếp xúc với những đồng nghiệp này, theo chuyên gia Friedman, bạn sẽ không có được sự trao đổi ngẫu nhiên các ý tưởng, thông tin và sự hứng thú.

2. Bạn sẽ trở thành “người vô hình” đối với đồng nghiệp ở công sở

Nếu bạn làm việc ở nhà 5 ngày mỗi tuần, bạn sẽ gần như không có sự hiện diện nào ở công sở, và điều đó sẽ khiến mọi người “khó xác định vị trí của bạn”, theo ông Friedman.

Không gặp bạn thường xuyên, sếp và đồng nghiệp sẽ không chắc bạn có những phẩm chất như biết lắng nghe hay đáng tin cậy hay không. Và một khi không có câu trả lời về những kỹ năng mềm đó ở bạn, sếp sẽ ngần ngại trong việc cất nhắc bạn.

3. Tình trạng nghiện việc của bạn ngày càng tồi tệ

Những người nghiện việc thường không có ranh giới thể chất hay tinh thần giữa công việc và cuộc sống ở nhà. “Nếu lúc nào bạn cũng muốn đáp ứng bất kỳ một yêu cầu nào xuất phát từ môi trường làm việc của mình và bạn thực sự gắn bó với công việc mà bạn tin là lý tưởng, bạn sẽ không bao giờ dừng lại”, ông Friedman nói. “Cách này không bền vững trong dài hạn”.

Đối với người tự kinh doanh:

1. Việc thu hút khách hàng mới sẽ hạn chế

Việc mở một công ty trên mạng và điều hành từ nhà có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí, nhưng nếu không có một văn phòng hay cửa hàng thực sự, bạn sẽ khó lòng phát triển được sự nghiệp kinh doanh. Nhiều người điều hành công ty từ nhà, nhưng vẫn phải mở văn phòng hay cửa hàng thực tế để có sự tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, từ đó hiểu khách hàng thực sự cần gì và mình cần phải điều chỉnh những gì trong sản phẩm, dịch vụ cung cấp.

2. Công ty của bạn dễ bị nghi ngờ về tính hợp pháp

Khách hàng có thể cảm thấy không thoải mái khi bước vào phòng khách nhà bạn để chọn mua một món đồ nào đó. Ngoài ra, nhiều người không tin vào các công ty “tại gia” vì cho rằng, đây có thể là những công ty “ma”, làm ăn lừa đảo. Cơ hội phát triển của bạn vì thế cũng kém đi nhiều.

3. Những người thân của bạn có thể không tin bạn đang thực sự làm việc

Do bạn ở nhà cả ngày, các thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết rất dễ có ý nghĩ lúc nào họ cũng có thể gọi điện cho bạn, tới thăm bạn, nói chung là khiến bạn mất tập trung trong công việc. Họ nghĩ “Anh/cô ấy ở nhà suốt ngày ấy mà”.

4. Sản phẩm/hàng hóa của bạn có thể chiếm hết không gian sống

Không gian sống của bạn dễ dàng bị biến thành một “nhà kho chứa đồ” nếu bạn dùng nhà riêng làm công ty. Khi hàng hóa/sản phẩm, các đồ dùng văn phòng chiếm lĩnh không gian sống của gia đình bạn, sự chật chội, bức bối sẽ phát sinh từ đó mà ra.

Lời khuyên: Hãy thử trước. Chuyên gia Friedman gợi ý rằng, trước khi quyết định làm việc ở nhà, cho dù bạn là nhân viên văn phòng hay kinh doanh riêng, tốt hơn hết hãy thử nghiệm ý tưởng này khoảng 1 tháng xem sao. Trong khoảng thời gian đó, hãy đánh giá chất lượng công việc của bản thân và ảnh hưởng tới những người xung quanh. “Thử kiểm tra với những người có liên quan tới bạn, cho dù đó là sếp của bạn hay con cái bạn”, ông Friedman nói. “Xem cách này có hợp với họ không và họ đưa ra ý tưởng nào để mọi chuyện với họ được tốt hơn”.


  • 15/10/2013 02:00
  • Theo xaluan.com
  • 1756


Gửi nhận xét