(ảnh minh họa)
Đường về xứ Bắc như đường về bao miền quê khác, dọc đường chỗ nào cũng thấy những người nông dân nặng nhọc trên thửa ruộng của mình. Những luống khoai ngọn lên mơn mởn, những vạt ngô ngút ngát xanh. Hôm nào trời quang mây tạnh, nhìn những thửa ruộng hai bên đường thấy đẹp như tranh.
Trời mưa nặng hạt, tôi phải trú tạm vào một chiếc quán ven đường. Chính ở đây, tôi đã nghe thấy tiếng hát ru buồn sau lũy tre làng. Bà chủ quán là một người hay chuyện:
- Khổ. Ngày nào bà cũng ru con. Người ta hai, ba mươi tuổi ru con thì đã đành. Đằng này…
Bà không nói hết câu nhưng tôi hiểu, có cái gì đó không bình thường sau câu nói.
Bà ngoại tôi, khi ngoài bốn mươi tuổi đã ru cháu, ngoài sáu mươi tuổi đã ru chắt. Còn bà mẹ này, sao 70 tuổi vẫn ru con?
Tôi đi theo con ngõ nhỏ để vào nhà mẹ. Hai bên ngõ là tre trúc, là những chiếc ao làng nở đầy hoa súng tím.
Tôi là khách không mời, chỉ như một người lỡ độ đường bị mưa, trú nhờ dưới mái hiên nhà mẹ. Tôi nhìn vào nhà thấy một người con gái chừng 40 tuổi đang nằm trên võng. Còn người mẹ thì vừa hát ru vừa đưa đẩy. Chiếc võng còng, lưng mẹ cũng còng.
Tôi hỏi chuyện mới biết chị là một người con gái đẹp, đã đi B thời chống Mỹ. Chiến tranh kết thúc, chị về trong đầu còn nhiều mảnh đạn, nhưng không có chỉ định mổ. Nếu mẹ không ru ngủ thì chị suốt ngày la hét. Thế là lời ru buồn, muối mặn gừng cay, cái cò cái vạc cứ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác kéo còng lưng mẹ. Chiến tranh kết thúc từ lâu mà nỗi đau vẫn còn len lỏi vào tận sâu thẳm mỗi thân phận con người. Nghe lời ru cũ kỹ “ cái cò cái vạc…” mà trĩu nặng nỗi niềm.
Đường về thành phố chỗ nào cũng đầy ắp giàu sang, lấp lánh đèn màu. Có ai biết đến người mẹ già vẫn hát ru con, vẫn ngày ngày gánh trên vai hậu quả của một cuộc chiến cách đây gần nửa thế kỷ. Tôi sợ sự vô tình làm nhiều người quên… quên cả những điều đáng nhớ…