PC Bình Định tiếp nhận và sửa chữa lưới điện nông thôn tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định
|
Từng điêu đứng vì… ớt
Huyện Phù Mỹ trước đây nổi tiếng với nhiều nông sản: Lúa nếp, củ kiệu, dưa lê, đậu phộng… đã trở thành đặc sản của Phù Mỹ đi khắp thị trường trong Nam, ngoài Bắc. Gần đây, cây ớt cũng trở thành "cây làm giàu" ở Phù Mỹ với sản lượng hàng trăm tấn ớt tươi xuất khẩu. Cả xã Mỹ Hiệp doanh thu vụ ớt Xuân hè năm 2013 lên đến trên 26 tỷ đồng. Cả làng rực lên một màu đỏ: Trên là ngói, dưới sân là… ớt .
Vậy mà có những thời điểm bà con "điêu đứng" vì ớt khi giá ớt rớt thê thảm từ 42.000đồng/kg xuống còn 1.200 đồng/kg, không đủ bù tiền công thuê hái.
Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu truyền thống phía Bắc "trục trặc", còn thị trường các nước Âu, Mỹ thì chưa vươn ra được. Trái ớt Phù Mỹ vốn nồng cay là thế, người nông dân cũng cay vì ớt .
"Cái khôn" ló ra từ… điện
Xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) đang chạy nước rút trong xây dựng nông thôn mới, là xã điểm của huyện với 13/19 tiêu chí đã đạt được từ cuối năm 2013.
Phù Mỹ lại đang vào cuộc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý. Hai xã Mỹ Châu và Mỹ Phong vừa bàn giao xong đầu tháng 6/2014, còn xã ven biển Mỹ Chánh đang làm thủ tục chuẩn bị bàn giao cuối năm nay.
Ông Trần An Khương – Giám đốc Điện lực Phù Mỹ cho biết: “Lưới điện nông thôn đã được chỉnh trang sau khi ngành Điện tiếp nhận, đi vào từng ngõ, xóm, tỏa về các hộ bằng hàng cột mới theo hệ thống đường bê tông nông thôn. 100% các hộ của Mỹ Hiệp đã đưa điện vào nhà, sử dụng điện theo công tơ và giá điện bình đẳng trong cả nước. Mỹ Hiệp đã lắp đặt thêm 2,5km điện chiếu sáng tại khu trung tâm xã và các khu vực công cộng”.
Có điện ổn định rồi, sao không sử dụng điện để chế biến ớt khô? Câu hỏi này xuất hiện đầu tiên từ thôn Đại Thạnh rồi lan ra toàn xã Mỹ Hiệp. Anh Trần Văn Tảo - một nông dân trẻ tại thôn Đại Thạnh cho biết: “Thấy bà con đem ớt đổ đống ngoài chợ không có thương lái về mua, chỉ còn nước đem phơi khô, rồi chờ… thời, ăn sao cho hết, tôi xót lắm. Trước đây tôi có học qua nghề cơ khí, rồi mày mò chế tạo ra cái máy xay ớt bột chạy điện này, thế là ớt khô được chế biến thành ớt bột, thị trường đang hút món này dữ lắm”.
Điều đó giải thích vì sao ớt ở Mỹ Hiệp đang được phơi khô nhiều thế, đường bê tông trong làng, sân nhà cả xóm đỏ rực một màu. Chỉ cần “4 nắng” hoặc sấy bằng điện là ớt có thể đem xay thành ớt bột, mịn như tiêu bột. Ớt bột Mỹ Hiệp - Phù Mỹ đang được đóng gói chuyển vào tận Cà Mau, lên Đắk Lắk, ra xứ lạnh biên giới phía Bắc hoặc vào thành phố Hồ Chí Minh chế biến thành tương ớt. Chiếc "chìa khóa điện” đã mở ra lối thoát cho trái ớt Mỹ Hiệp và lan ra cả huyện Phù Mỹ. Nhà nhà - người người phơi ớt, mua máy xay ớt, sấy ớt bằng điện. Nguồn điện ổn định đã tạo cho người dân niềm hy vọng mới. Màu ớt bột hồng đỏ cũng đã sớm trở thành sản phẩm đắc trưng của Mỹ Hiệp hôm nay.
Không chỉ giàu lên từ ớt
Không dừng lại ở mục đích sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và kích hoạt phục hồi các làng nghề truyền thống, điện đã được đưa ra các cánh đồng mẫu lớn phục vụ nông nghiệp và các cánh đồng ớt mới phục hồi. Toàn xã Mỹ Hiệp thực hiện tổng diện tích gieo trồng gần 3.944 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 12.990 tấn, tăng 49,48% so với kế hoạch huyện giao. Có trên 345 ha đất lúa chuyển sang sản xuất các loại cây trồng cạn trong đó có ớt, được bơm tưới bằng điện, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao.
Ông Trần Minh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp cho biết: “Hiện nay Mỹ Hiệp đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, lưới điện Mỹ Hiệp và cả huyện Phù Mỹ đã và sẽ được ngành Điện tiếp tục tiếp nhận, nâng cấp để đảm bảo cấp điện liên tục với độ tin cậy cao, đưa điện trở thành tiêu chí đi đầu trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Về Mỹ Hiệp hôm nay, trên điện - dưới ớt. Đêm Mỹ Hiệp bừng sáng, nồng nàn mùi no ấm từ ớt và lan tỏa ra toàn huyện.