Người chỉ ra, trong lúc đó các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, quân sự, giáo dục đều rất cần đến nhân tài. Vì vậy, Người kêu gọi đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích cho nước nhà, thì xin gửi kế hoạch lên Chính phủ để nếu thực hành được, thì sẽ thực hành ngay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài - Nguồn ảnh: http://m.tainangviet.vn/.
|
Tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Tìm người tài, đức”. Người yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương phải đi tìm ngay người tài đức để dùng vào việc kiến thiết “nước nhà.
Trong số 20 triệu người dân Việt Nam chắc không thiếu người tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân” - Người xem đây là một khuyết điểm, mà “Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Người kêu gọi: “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những người hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Người yêu cầu báo cáo phải cụ thể, nói rõ tên, tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Người quy định hạn trong một tháng, các cơ quan, địa phương phải báo cáo cho đủ…
Đó là những lời kêu gọi hết sức chân tình và khẩn thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu hoạt động của Chính phủ.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngoài đội ngũ cán bộ cách mạng, còn xuất hiện những nhân sĩ, trí thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất có tài dùng những nhân sĩ, trí thức này và Người đã thành công trong việc dùng họ. Ngay cả vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy), Người cũng mời làm cố vấn tối cao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều nhân sĩ, trí thức được Người đề cử vào Chính phủ kháng chiến tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946 như: Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp…
Thu hút, kêu gọi được nhân tài đứng ra giúp nước đã khó, làm thế nào để phát huy tốt nhất năng lực của họ còn khó hơn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trọng dụng, sử dụng đúng nhân tài là vấn đề cực kỳ quan trọng trong phương sách, chính sách dùng người.
Người giải thích: “Người nào có năng lực làm việc gì thì đặt vào việc ấy. Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề thợ rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai”. Vì vậy, sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường của họ như vậy sẽ thành công. Dựa trên quan điểm đó, hàng loạt trí thức còn rất trẻ nhưng có tài năng cũng được Người trọng dụng, giao trọng trách từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai...
Bên cạnh đề cao việc lựa chọn người tài, Bác còn luôn quan tâm chăm lo cho đội ngũ trí thức, để các nhân sĩ, trí thức nhận thấy ở Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự quý trọng chân thành, từ đó một lòng gắn bó thủy chung với cách mạng.
Nhờ những chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân với mục tiêu, giải pháp cụ thể đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng.