Bạn làm việc tốt, hoàn thành công việc trước hạn chót và nghĩ như vậy là đủ, nhưng vẫn thiếu. Theo khảo sát của hiệp hội đại học và nhân sự quốc gia Mỹ, những kỹ năng giao tiếp hiệu quả có vai trò vô cùng quan trọng và luôn đứng top đầu trong danh sách những kỹ năng công việc mà bạn cần phải có, bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng công nghệ và tôn trọng kỷ luật lao động. Riêng về kỹ năng giao tiếp, nói đúng và nói hay chưa đủ, bạn cần biết nói đúng lúc, đúng chỗ và biết nói tránh khéo léo. Dưới đây là 5 cách nói tránh tại công sở đáng chú ý nhất mà bạn cần học và áp dụng vào thực tiễn.
1. Cách làm này đã bao giờ tỏ ra hiệu quả chưa?
Có hàng nghìn cách nói hiệu quả hơn câu nói “Không, tôi tin rằng cách làm này không hiệu quả”. Ví dụ, bạn có thể nói “Cách làm này đã bao giờ tỏ ra hiệu quả chưa?” để nhận được lời giải thích thuyết phục từ đồng nghiệp hoặc cấp dưới của mình. Rõ ràng, việc bạn phủ nhận một phương hướng giải quyết vấn đề dứt khoát như trên làm mất đi cơ hội để hiểu sâu vấn đề và tìm ra giải pháp tốt nhất.
2. Hãy nói tiếp đi, điều này nghe có vẻ thú vị
Lắng nghe và hồi đáp là 2 bước quan trọng trong giao tiếp. Điều này thể hiện thái độ tôn trọng người nghe và chứng minh bạn đang tương tác với người nói. Vậy, bạn có thể làm gì khác ngoài gật đầu và nhìn thẳng vào khuôn mặt của họ để thể hiện rằng bạn đang lắng nghe câu chuyện của người nói? Đừng khiến mình bị mỏi cổ và chóng mặt theo cách đấy. Tại sao bạn không nghĩ đến việc trả lời họ và cho họ ngừng nói một chút bằng câu nói: “Hãy nói tiếp đi, điều này nghe có vẻ thú vị” nhỉ?
3. Ý bạn là gì khi nói…?
“Bạn có thể nhắc lại ý vừa rồi không?” “Tôi chưa nghe rõ.”, “Tôi chưa hiểu ý bạn.” “Bạn nói khó hiểu quá, nói lại được không?” Đây là một vài câu nói có ý nghĩa tương tự như câu nói “Ý bạn là gì khi nói…?” Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí là người được hỏi và đánh giá cách hỏi nào khiến bạn muốn trả lời nhất. Chắc chắn là cách hỏi cuối rồi. Vì cách hỏi này không bóc mẽ rằng bạn là người diễn đạt kém, bạn nói nhỏ hoặc bạn nói miên man. Ngoài ra, cách hỏi “Ý bạn là gì khi nói…?” còn cho biết người nghe đang chú tâm để hiểu câu chuyện của bạn cũng như tỏ thái độ tôn trọng với đối phương.
4. Hạn chót đang đến gần rồi nhé
Tất cả chúng ta đều hiểu rằng câu nói trên mang tính nhắc nhở. Câu nói đủ nhẹ nhàng và cân nặng hơn đao búa để thông báo với ai đó rằng hãy chú tâm vào công việc để không bị muộn hạn chót. Và chắc chắn bạn thích nghe câu nói này hơn lời răn đe: “Anh nên làm việc chăm chỉ hơn đi kẻo lại bị phạt nặng vào cuối tháng đấy!”
5. Đây là một vài việc bạn cần phải làm cho buổi thuyết trình bán hàng sắp tới
Tương tự như cách nói khích lệ bên trên, hẳn là bạn không bị áp lực khi được sếp giao nhiệm vụ: “Đây là một vài việc bạn cần phải làm cho buổi thuyết trình bán hàng sắp tới”. Sếp của bạn chỉ đang chủ động bàn giao và phân công công việc cho bạn. Vậy là bạn chỉ cần xem xét file đính kèm và ý kiến nếu cần. Cách trao đổi công việc như vậy thực sự nhanh gọn và hiệu quả. Trường hợp tồi tệ hơn có thể đến khi nào? Đó là khi bạn bị chỉ trích: “Tôi thực sự thất vọng về buổi thuyết trình tồi tệ lần trước của cậu. Lần này hãy cố gắng làm tốt hơn đi!” Giờ thì bạn có thể đánh giá khả năng của sếp rồi đấy. Bạn có quyền đó mà!
Thay lời kết
Nói tránh khác với nói vòng vo, dài dòng, thiếu trọng tâm. Nói tránh chỉ thực sự phát huy tác dụng khi người nghe hiểu hàm ý của bạn và cách nói đó giải quyết hài hòa các vấn đề về nội hàm giao tiếp và sự tôn trọng đối phương. Hi vọng, bạn sẽ nhạy bén hơn trong các tình huống giao tiếp công sở sau khi đọc xong bài viết này!