Những điều không nên nói tại nơi làm việc

“Có sự khác biệt lớn trong việc dùng một từ đúng và một từ gần đúng, cũng như ánh sáng đom đóm khác với ánh chớp vậy” – Mark Twain

Darlene Price, tác giả cuốn sách "Well Said! Presentations and Conversations That Get Results” (tạm dịch: “Nói hay! Thuyết trình và hội thoại đạt hiệu quả” đồng tình - “Vấn đề là ngôn từ. Ngôn từ là chìa khóa của sự thành công trong giao tiếp".

Trong những cuộc nói chuyện với hàng trăm chuyên viên và lãnh đạo cao cấp trong hai mươi năm qua, Price đúc kết lại một số ngôn từ có nguy cơ hủy hoại hình ảnh cá nhân trong một tập thể. “Đối với người nói, những ngôn từ đó dường như không có hại gì, tuy nhiên người nghe có thể cảm thấy sự phê phán hoặc thái độ tiêu cực".

Dưới đây là những ngôn từ không nên sử dụng tại nơi làm việc:

“Như thế là không công bằng”

Cô ấy được tăng lương, còn bạn thì không. Anh ấy được đánh giá tốt, bạn thì không. “Có người có thức ăn để ăn, có người không”, Price nói. “Sự bất công tồn tại trong công việc hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới này mỗi ngày. Cho dù đó đơn thuần là một rắc rối nhỏ trong công việc hay một vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu, nên tránh nói câu “như thế là không công bằng”, thay vào đó hãy thu thập chứng cứ thực tế, xây dựng phương án, lập luận một cách thông minh với người có khả năng giúp bạn đạt được nguyện vọng.

“Không phải việc của tôi”, “tôi không được trả lương để làm công việc này”

Nếu bạn nhờ ai đó giúp đỡ và nhận được câu trả lời như trên, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Và quan trọng hơn, câu nói trên phản ánh điều gì từ người nói ra nó? Price cho rằng: "Cho dù trong một hoàn cảnh không phù hợp và bất tiện đến mấy, khi một người yêu cầu sự giúp đỡ có nghĩa là họ cần và sự giúp đỡ của bạn là quan trọng đối với họ, nếu không họ đã chẳng nói ra. Bởi vậy, là một thành viên trong nhóm, bạn cần ưu tiên quan tâm đến công việc của những người còn lại (hoặc ít nhất cũng nên tỏ ra như vậy). Sự thờ ơ, lãnh đạm, chỉ quan tâm đến công việc của bản thân chính là rào cản cho cơ hội và sự thăng tiến trong công việc.

Điều này không có nghĩa là bạn phải nhận lời, cũng không có nghĩa bạn phải thẳng thắn và thận trọng trong việc nói “không”. Ví dụ, sếp của bạn yêu cầu bạn làm một việc vô lý, thay vì nói “tôi không được trả lương để làm việc này” bạn có thể nói “Vâng, tôi sẵn lòng giúp nhưng hiện tại tôi đang được giao việc A, B, C... liệu tôi có thể tạm dừng một trong ba việc đó để hoàn thành công việc này không? Cách nói này sẽ nhắc nhở sếp của bạn về khối lượng công việc mà bạn được giao và xem xét những yêu cầu đặt ra cho bạn một cách thực tế hơn.

(Ảnh minh họa)

“Anh ta thật ngu ngốc”, “cô ta lười biếng”, “tôi ghét công ty này”

Nói ra những điều khiếm nhã chỉ khiến mọi người nghĩ không hay về chính bản thân bạn. Nếu bạn thực sự cần phàn nàn về ai đó, hãy nói một khéo léo, thận trọng và không thành kiến.

“Nhưng mọi khi thường làm theo cách này”

Những nhà quản lý giỏi thường đánh giá cao sự sáng tạo của nhân viên. Câu nói trên thể hiện điều ngược lại, biểu hiện sự thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo, tính bảo thủ. Thay vì nói như vậy, hãy nói: "Ừ, đó là một ý hay”, hoặc “cũng là một cách, chúng ta thử bàn bạc xem sao”.

“Điều đó là không thể” hoặc “Tôi chẳng làm được gì hơn”

Thật sao? Bạn có chắc đã thử tất cả các cách? Khi nói ra điều này bạn đồng thời cũng thể hiện một thái độ tiêu cực, bất lực, tuyệt vọng trong công việc. Điều này khó lòng được chấp nhận. Các nhà quản lý thường quan tâm, ghi nhận và đề bạt những nhân viên luôn cố gắng bằng mọi cách trong công việc. Bất chấp hoàn cảnh có tồi tệ đến mấy, hãy giao tiếp bằng ngôn từ thể hiện sự cố gắng nỗ lực của bạn, không phải là sự buông xuôi, chán nản. Ví như “tôi sẽ kiểm tra lại”, “hãy thử bàn xem chúng ta có thể làm gì trong tình huống này”…

“Đáng lẽ bạn nên…”, “đáng lẽ bạn có thể…”

Bạn chắc hẳn sẽ chẳng vui vẻ gì nếu ai đó nói với bạn “Đáng lẽ anh phải nói với tôi sớm hơn” hay “đáng lẽ chị nên cố gắng hơn chút nữa”. Cách nói này khiến cho người nghe có cảm giác đang bị kết tội. Môi trường làm việc lý tưởng là nơi nuôi dưỡng sự bình đẳng, sự hợp tác và tinh thần tập thể. Thay vì làm cho ai đó có cảm giác tội lỗi (dù cho họ có lỗi thật), hãy chọn cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn: “Lần sau hãy cố gắng lập kế hoạch cẩn thận hơn...”, “Lần tới tôi đề nghị…”.

“Tôi không có thời gian”,“Tôi rất bận”

Dù điều đó là thật, không ai muốn bị coi vấn đề của họ kém quan trọng hơn vấn đề của người khác. Để duy trì tốt mối quan hệ với đồng nghiệp và thể hiện sự thông cảm, hãy nói “Chúng ta bàn về vấn đề này sau buổi họp của tôi nhé. Tôi sẽ đến gặp cậu vào 1 giờ chiều  được chứ?”.

Không dễ gì có thể loại bỏ hoàn toàn những câu, từ thường gặp như trên trong cuộc sống hàng ngày, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn ý thức được về ngôn từ mà bạn đang sử dụng. Cũng như một thói quen xấu, đôi khi chúng ta không ý thức được sự hạn chế của những từ ngữ mà chúng ta thường dùng.


  • 28/02/2013 11:08
  • Thu Huyền (biên dịch theo www.forbes.com)
  • 1467


Gửi nhận xét