Những đột phá từ áp dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc khách hàng của các tổng công ty điện lực

Với những phần mềm ứng dụng đa dạng, dễ sử dụng, hiệu quả kinh tế cao, công nghệ thông tin (CNTT) được sử dụng rộng rãi tại các tổng công ty điện lực, góp phần không nhỏ vào công tác quản trị doanh nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Giải pháp Ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị di động đã được triển khai tại tất cả các công ty điện lực trực thuộc EVN HANOI - Ảnh minh họa

EVN HANOI: Ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị di động

Khoảng 9,8 tỷ đồng/năm là giá trị làm lợi khi Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) áp dụng sáng kiến Ghi chỉ số công tơ của khách hàng bằng thiết bị di động. EVN HANOI đã thay thế cách ghi chỉ số công tơ truyền thống bằng thiết bị di động như máy tính bảng, smart phone. Đây là giải pháp dựa trên ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) 2.0, cho phép sử dụng file mềm để ghi chỉ số công tơ qua các giao diện HHC. Phần mềm ghi chỉ số có thể chạy trên nền Android hoặc Windows Phone – những hệ điều hành thông dụng, rất linh hoạt cho người sử dụng.
 
Theo đó, các sổ ghi chỉ số (SGSC) được xuất ra dưới dạng file PDF và được chuyển tới thiết bị cầm tay như: Smart phone, máy tính bảng. Công nhân sẽ ghi chỉ số trực tiếp trên các thiết bị cầm tay, thay vì ghi sổ giấy như trước. Một chu trình điện tử khép kín sẽ được thiết lập: Phần mềm sẽ tự tính sản lượng điện năng tiêu thụ cho khách hàng, tự động cập nhật số liệu vào hệ thống CMIS để xuất hóa đơn. Do vậy, sẽ giảm bớt sai số, đảm bảo độ chính xác và khách quan trong quá trình ghi chỉ số, khách hàng sẽ yên tâm và hài lòng hơn với dịch vụ này.
 
Ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị di động còn có các tính năng vượt trội so với cách ghi truyền thống như, tính nhanh tổn thất của từng trạm, lưu trữ số liệu chỉ số của mỗi đơn vị gọn nhẹ, khoa học… Đây là giải pháp phù hợp với thực tế hiện nay, khi công tơ cơ vẫn chiếm khoảng 85% lượng công tơ lắp đặt trên địa bàn TP Hà Nội. Việc ghi sổ thủ công bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện như: Phát sinh chi phí làm sổ; mất thời gian tính toán sản lượng điện tiêu thụ, dễ gây sai sót trong quá trình ghi; mất thêm công đoạn và người nhập số liệu từ sổ vào hệ thống CMIS, làm tăng chi phí, tăng khả năng sót trong quá trình nhập số liệu…Sáng kiến này đã được áp dụng thí điểm tại PC Quốc Oai (EVN HANOI) từ tháng 7/2013. Sau khi kiểm chứng, đánh giá, tháng 1/2014, giải pháp này đã được áp dụng trong toàn Tổng công ty Điện lực Hà Nội. 
 
EVN HCMC: Giám sát trực tuyến tình hình cung cấp điện và tiến độ giải quyết các dịch vụ khách hàng
 
“Công nghệ thông tin đã thể hiện vai trò hỗ trợ đắc lực cho quản lý với những phần mềm ứng dụng và tiện ích, phục vụ chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp ở tất cả các khâu trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng”
(Theo Báo cáo kết quả thực hiện năm Kinh doanh và dịch vụ khách hàng, 2013)
Năm 2012, với sự ra đời của Trung tâm chăm sóc khách hàng (TT CSKH), Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đã từng bước thỏa mãn các yêu cầu của bên mua điện. Mỗi ngày, khoảng 5.000 cuộc liên lạc tới Trung tâm CSKH, tìm hiểu tình hình mất điện, hay thắc mắc tiến độ giải quyết yêu cầu của khách hàng….  
 
Bên cạnh đó, để các hoạt động sản xuất, kinh doanh và CSKH trong các đơn vị thuộc Tổng công ty mang lại hiệu quả thiết thực, lãnh đạo Tổng công ty và lãnh đạo các đơn vị cần phải nắm được diễn biến thực tế, từ đó, có các giải pháp chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời. Xuất phát từ những yêu cầu đó, Biểu đồ theo dõi, giám sát các hoạt động kỹ thuật, kinh doanh và chăm sóc khách hàng được đề xuất. Đây là sáng kiến được TTCSKH phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các tính năng và lập trình từ tháng 1/2013. Đến hết tháng 7/2013, kết quả nghiên cứu này được ứng dụng tại các công ty điện lực và Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền.
 
Biểu đồ có 3 mảng hiển thị chính, tương ứng với 3 lĩnh vực: Kỹ thuật, Kinh doanh và CSKH. Ông Ngô Anh Việt, Giám đốc Trung tâm CSKH EVN HCMC cho biết, giá trị thực tiễn của biểu đồ được thể hiện ở chỗ, đây là những thông tin trực tuyến, phản ánh chính xác những vấn đề đang diễn ra tại TTCSKH và các công ty điện lực. Không chỉ là hình ảnh thống kê trực quan với màu sắc sinh động, những thông tin cụ thể đi kèm các biểu đồ còn cho người quản lý thấy được hiện trạng và lí giải các nguyên nhân như: Mất điện, có điện, tiến độ giải quyết yêu cầu của khách hàng…Ứng dụng này là công cụ đắc lực, giúp người quản lý kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp trong mọi tình huống diễn biến của thực tế. Đồng thời, mọi diễn biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, CSKH đều được báo cáo trực tuyến. Lúc đó, CBCNV sẽ có ý thức tốt hơn trong xử lý công việc, góp phần  nâng cao chất lượng các dịch vụ CSKH tại EVN HCMC.
 
EVN CPC: Ứng dụng các giải pháp kịp thời thông báo mất điện 
 
Trong vận hành cung ứng điện, phát hiện và kịp thời xử lý sự cố gây mất điện là một trong những điểm quan trọng, giúp các đơn vị duy trì cấp điện ổn định, liên tục, an toàn cho khách hàng. Tại các TBA hạ thế, Công ty Điện lực Đà Nẵng (Tổng công ty Điện lực miền Trung - EVN CPC) đã có sáng kiến, sử dụng thiết bị báo mất điện bằng SMS. Mỗi khi xảy ra mất điện hoặc có điện lại tại TBA, thiết bị sẽ tự động gửi tin nhắn cảnh báo về máy chủ SMS của Công ty. Nếu mất điện do sự cố, không có trong bảng dữ liệu kế hoạch cắt điện công tác, thông tin mất điện sẽ được hệ thống SMS của PC Đà Nẵng nhắn tin tới người có trách nhiệm xử lý.
 
Thời gian trễ trung bình từ khi thiết bị gửi tin nhắn đến khi người có trách nhiệm nhận được SMS  khoảng 8 giây. Thiết bị được thiết kế thêm chức năng thông minh, tự động loại bỏ cảnh báo đối với những trường hợp mất điện thoáng qua hoặc do đóng điện lặp lại với thời gian  mất điện ≤ 3 giây. Do vậy, thông tin được gửi tới hệ thống máy chủ đảm bảo tính chính xác và tính kịp thời.
 
Tương tự, với sự cố trên đường dây, tại Điện lực Lý Sơn (Công ty Điện lực Quảng Ngãi), hệ thống Amptrail đã được triển khai lấy thông tin tức thì khi có sự cố trên lưới điện trung áp. Đây là công nghệ ứng dụng điều khiển từ xa, giúp quản lý vận hành bảo vệ lưới điện thông minh tại huyện đảo Lý Sơn. Hệ thống Amptrail sẽ báo tin cho người vận hành đường dây biết chính xác dây pha nào đã bị sự cố, cần phải cô lập để khôi phục điện cho các phân đoạn không bị sự cố. Bên cạnh đó, hệ thống này còn có khả năng cảnh báo sự cố một cách trực quan tại nhánh rẽ bằng đèn Led ánh sáng chớp. Năng lượng để thiết bị hoạt động được tổng hợp từ các tấm pin năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường.
 
Việc ứng dụng các giải pháp báo mất điện từ xa đã mở ra một giai đoạn mới trong việc cung ứng dịch vụ khách hàng chất lượng cao. Trước đây, với những sự cố mất điện ngoài kế hoạch, các đơn vị thường nhận được phản ánh từ khách hàng và dựa trên thông tin khách hàng cung cấp mới dò tìm nhánh rẽ đường dây hay TBA gặp sự cố. Với việc ứng dụng các giải pháp báo mất điện kịp thời, các đơn vị điện lực thuộc EVN CPC đã chuyển từ thế bị động trong tiếp nhận thông tin sự cố điện sang thế chủ động xử lý sự cố điện. Từ đó, tạo được sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng sử dụng điện.
 


  • 14/01/2015 09:52
  • Nguồn bài và ảnh: TCĐL Chuyên đề QL&HN tháng 11/2014
  • 1341


Gửi nhận xét