Kon Pne sau 10 năm đóng điện

Xã Kon Pne cách thị trấn Kanak (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) khoảng 90 km về phía Tây Bắc. Cách đây nhiều năm, xã Kon Pne là xã duy nhất của tỉnh Gia Lai chưa có đường đến trung tâm xã. Người dân địa phương ở đây gọi Kon Pne là "ốc đảo" Tây Nguyên, đói nghèo, lạc hậu nhất tỉnh. Ngày ấy, điện là thứ quá xa xỉ với người dân ở đây. Nhưng trở lại Kon Pne lần này, tôi thấy đời sống bà con đã có nhiều đổi khác do có điện về đến xã.

Năm 2004, đường vào xã Kon Pne được mở, rồi năm 2005 điện được kéo về phục vụ đời sống, sản xuất cho bà con, giúp bà con vùng sâu, vùng xa mở mang tầm nhìn, đi lại thuận tiện và gần nhau hơn. Ðó cũng chính là cơ sở, là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Có điện, các công trình được xây dựng khang trang

Tôi đã được chứng kiến đóng điện rất nhiều công trình, nhưng sự kiện đóng điện cho bà con xã Kon Pne mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Ngày 30/4/2005, Công ty Điện lực Gia Lai và tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ đóng điện cho xã Kon Pne, với quy mô công trình 28,4 km đường dây trung áp kéo từ xã Đăk Rông vào xã Kon Pne; 1,6 km đường dây hạ thế nối đến 3 trạm biến áp và kéo đường dây điện đến tận nhà cho 620 hộ dân tộc Bahnar. Để hoàn thành công trình này và đem ánh sáng cho người dân nơi đây là cả một nỗ lực vượt khó của Điện lực Kbang và Công ty Điện lực Gia Lai.

Nay về thăm lại xã Kon Pne, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng nơi đây. Dọc hai bên đường từ trung tâm xã vào các buôn là màu xanh bạt ngàn của cây ngô, cây lúa; đường dây điện đã được kéo về thắp sáng ba thôn Kon Ktouh, Kon Kring, Kon Hlong. Gặp lại Bí thư Ðảng ủy xã Trương Văn Tư, anh cho biết: “Sau 10 năm có điện thắp sáng để phục vụ sinh hoạt và đời sống, mọi thứ đã đổi thay. Cái đói, cái nghèo từng bước được đẩy lùi. Hiện nay bà con nhiều gia đình có ti vi, có máy bơm nước, máy xay xát. Tối tối,  từ người già đến trẻ con quây quần xem ti vi, nói cười rôm rả. Bà con đã biết học hỏi cách làm ăn từ ti vi, đài. Trẻ con học bài dưới ánh điện, thay vì chiếc đèn dầu tù mù trước đây".

Thầy giáo Già Anhai – Hiệu trưởng trường tiểu học Kon Pne tâm sự: “Trước kia chưa có điện, để lấy nước phục vụ sinh hoạt tối thiểu cho các em học sinh, thầy cô phải cùng các em ra suối lấy nước trước khi vào lớp học, rất vất vả. Từ lúc có lưới điện để phục vụ sinh hoạt, trường đã có máy bơm nước, giờ tôi chỉ cần đi trước vài phút đóng cầu dao là có nước vệ sinh cho các em. Thầy cô và các em học sinh có thể yên tâm dạy và học”.

Đối với người dân xã Kon Pne, những ngày sống khó khăn, thiếu thốn, “biệt lập” đã dần lui vào dĩ vãng. Thay vào đó, gần 100 ha lúa nước cho năng suất cao, các loại cây trồng khác như ngô lai, sắn cao sản, chăn nuôi bò, dê... đang có chiều hướng phát triển tốt, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng như trường học, trạm y tế.

Điện về với xã Kon Pne đã xua đi cảnh tối tăm, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ gia đình, nhiều người giàu lên nhờ điện.


  • 04/11/2014 10:15
  • Theo EVN CPC
  • 1370


Gửi nhận xét