Dễ về dân, khó về ngành Điện

Ông Lâm Du Hải, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ (Tổng công ty Điện lực TP HCM) đã cam kết như vậy trong buổi đối thoại với địa phương, nhân dân quận 10 vừa được tổ chức.

Ông Hải cho biết, trước khi cắt điện, điện lực luôn thông báo tới người dân trước ít nhất 5 ngày. Tuy nhiên, nếu người dân cho rằng, cắt điện ngày đó sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, Điện lực Phú Thọ sẵn sàng cho máy phát tới phục vụ, thậm chí, xem xét dời lại lịch cắt điện.

Ông Võ Văn Lãnh (ngụ tại Phường 2, Quận 10) phản ánh, nhiều nơi dây điện vẫn như mạng nhện, chưa được bó gọn lại. Cũng có khi cắt điện 3 - 4 giờ liên tục mà người dân không biết do sự cố gì. Vì thế, sau khi ngắt điện do sự cố, ngành Điện cần sớm giải thích để tránh phiền hà, bức xúc trong dân. Cũng băn khoăn về dọn dẹp “mạng nhện”, ông Thái Văn Kiệt (ngụ tại Phường 10, Quận 10) nêu tình trạng, ngành Điện dọn dẹp “mạng nhện”, bó gọn dây điện lại làm ảnh hưởng đến cáp truyền hình, internet, điện thoại… của người dân.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Thanh Nghị, để có sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân, ngành Điện cần thông tin cụ thể hơn nữa tới nhân dân. Làm sao trước khi điện lực khởi công công trình thì người dân trong khu vực biết được mức độ, quy mô, cách thức làm việc. Chứ không nên đùng đùng cho xe, cho máy xuống trước cửa nhà khi người dân không được thông tin gì. “Việc ngầm hóa lưới điện cần đồng bộ. Chứ đường mới làm, vài hôm lại cắt đường, như cái áo mới xé toang ra, đau lòng xót ruột lắm. Tiền của ai, nếu không phải tiền thuế của nhân dân? Vì thế, điện lực và các ngành phải phối hợp, không nên đào đi đào lại một tuyến đường”, ông Nghị nói.

Ghi nhận những ý kiến phản ánh của người dân, ông Lâm Du Hải hứa, ở những nơi người dân đã phản ánh, trong 1 tuần, điện lực sẽ khắc phục việc bó dây điện, đảm bảo mỹ quan, an toàn. Tiến tới dùng hóa đơn điện tử, nhân viên điện lực sẽ không trực tiếp thu tiền điện tại gia, song ông Lâm Du Hải khẳng định, điện lực vẫn duy trì hình thức này bằng cách thuê đơn vị khác thu tiền, nhằm phục vụ những gia đình không có điều kiện dùng hóa đơn điện tử. Thậm chí, người dân có thể gọi điện thoại, yêu cầu nhân viên điện lực in hóa đơn, mang đến tận nhà cho người dân.

Nhằm tạo thêm kênh thông tin tiện ích, điện lực đang cập nhật số điện thoại của người dân để nhắn tin thông báo kịp thời tới người dân. Ông Lâm Du Hải cũng đề nghị các tổ dân phố, trong các buổi họp, có thêm phần sinh hoạt về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn. Điện lực sẽ cử cán bộ tới tuyên truyền và lắng nghe ý kiến của người dân. Và cũng không phải đợi 1 năm mới gặp nhau 1 lần trong buổi đối thoại, người dân có thể gọi điện trực tiếp tới lãnh đạo điện lực, tới công ty để nêu yêu cầu và tất cả sẽ được giải quyết nhanh nhất.


  • 25/09/2014 03:05
  • Theo sggp.org.vn
  • 1283


Gửi nhận xét