Điện phủ các xóm, ấp
Ông Hải cho biết ấp An Long có 74 hộ dân được sử dụng điện trong phạm vi của dự án này, nâng tổng số hộ trong ấp được sử dụng lên 100%.
Được kéo điện vào nhà trước đó vài tháng, ông Nguyễn Văn Phụng (57 tuổi, ấp Trung Điền, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), nhớ lại: “Hôm đầu có điện, anh em chòm xóm ngồi hàn huyên quá nửa đêm vì mừng và vui quá”.
Anh Lê Hữu Phước (37 tuổi, cùng ở ấp Trung Điền) không giấu được niềm vui: “Khu vực này hồi nào đến giờ heo hút, giờ có điện ai cũng mừng rơn!”. Phước kể, trước đây anh và bà con trong ấp toàn xài đèn dầu. Mãi gần đây mới mua được bình ắc-quy về thắp sáng và xem ti vi, nhưng mỗi đêm chỉ bật đèn và tivi một lúc cho đỡ nghiền rồi tắt đi ngay để tiết kiệm, bởi mỗi lần muốn sạc phải chở bình ắc-quy đi 3 km, rồi lại phải chờ đợi rất mất công, mất việc.
Ông Nguyễn Phước Năng - Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long nói rằng, dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn tỉnh Vĩnh Long có tổng mức đầu tư gần 124 tỷ đồng, xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp trên 156 km đường dây trung áp, trên 246 km đường dây hạ áp, xây dựng mới 128 trạm biến áp với tổng dung lượng 4.905kVA và lắp gần 3.000 công tơ. Dự án được hoàn thành chỉ sau 6 tháng thi công, đã giúp nâng tỷ lệ hộ dân của tỉnh này được sử dụng điện lên 99,6%.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) Phạm Ngọc Lễ cho biết, dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn tỉnh Vĩnh Long là dự án thành phần của Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn sử dụng vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (kfW) do EVNSPC làm chủ đầu tư. Khi đưa vào hoạt động, dự án góp phần nâng cao năng lực cấp điện cho tỉnh Vĩnh Long, giảm bớt rất nhiều tình trạng câu nhờ, “chia hơi” cho hàng nghìn hộ dân, đặc biệt mang lại niềm vui lớn cho gần 3.000 hộ dân nông thôn thuộc 8 huyện thị trong tỉnh.
Tăng thu nhập nhờ điện
Ngay sau khi có điện, ông Nguyễn Văn Phụng sắm mô-tơ điện về tưới cho 30 công ruộng và vườn cây ăn trái. Ông tính toán, chỉ riêng với 3 công vườn cây ăn trái, nếu dùng máy bơm dầu như trước, phải mất 60 đến 70 nghìn đồng tiền dầu cho mỗi lần tưới, trong khi bơm điện chỉ mất 20 nghìn đồng/lần.
Chủ nhiệm HTX chế biến cây lát Vũng Liêm (xã Trung Thành Đông, Vũng Liêm), ông Trần Trung Hiếu chia sẻ, mới đây HTX đã trang bị máy se sợi và nhờ đó năng suất và thu nhập của các xã viên tăng gấp đôi. Cụ thể, se sợi bằng phương pháp thủ công, mỗi người làm tích cực cũng chỉ đạt 10 kg sợi/ngày và thu nhập 50 nghìn đồng/người. Khi làm bằng máy, mỗi người làm được 20 kg sợi và thu nhập 100 nghìn đồng/ngày. “Bà con mừng lắm!”- ông Hiếu nói, đồng thời cho biết việc se sợi bằng máy không chỉ giúp nâng cao năng suất mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao và ổn định hơn. Nhờ đó đầu ra cũng tốt hơn và hiện sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết đến đó.
Ông Hiếu cũng cho biết, ngoài 9 thành viên trực tiếp của HTX được nâng cao thu nhập, việc sử dụng điện trong sản xuất còn giúp tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho khoảng 200 lao động làm những công việc liên quan tại địa phương.
Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn sử dụng vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (kfW) có tổng mức đầu tư 1.036 tỷ đồng, khối lượng xây dựng gồm 862 km đường dây trung thế, 3.124 km đường dây hạ thế và tổng dung lượng trạm là 45,2 MVA. Mục tiêu dự án là cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, nhằm đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, an toàn cho người sử dụng và giảm tổn thất điện năng trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố phía Nam do EVN SPC quản lý và cung cấp điện. Đến nay đã thi công hoàn tất và cấp điện cho 17.179 hộ dân tại các tỉnh Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Bình Thuận, Bình Dương, Lâm Đồng, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Bình Phước, Long An, Bến Tre và Đồng Tháp. |