Tâm sự của một thu ngân viên

LTS: Thời gian qua, Ban Biên tập đã nhận được nhiều ý kiến, câu chuyện chia sẻ về ứng xử văn hóa, chung tay xây dựng văn hóa EVN. Trong đó, có tâm sự của một thu ngân viên về quan niệm công việc, khát khao được sự thông cảm của cộng đồng xã hội đối với ngành Điện. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

“Tôi vốn chỉ là một người thu ngân bình thường trong ngành Điện, nhưng tôi cũng có những tâm sự riêng của mình. Nhiệm vụ chính của tôi là thu tiền điện mỗi tháng và đôi khi trong công việc tôi cũng không tránh khỏi sự thiếu sót.

 

Tôi luôn cảm nhận được nỗi buồn bực của bà con khi đến thanh toán tiền điện với một sự bức xúc thật sự rằng: “Điện thì cúp hoài mà tiền thì thu không thiếu”. Nhiều lúc tôi cũng thấy khó chịu nhưng không thể làm gì được bởi lúc đầu tôi cũng như họ, cũng khó chịu vì nhiều khi đang làm việc điện bị cúp, đang ngủ trưa điện cúp, đang nấu ăn điện cúp, đang giặt đồ điện cúp và dường như không thể chấp nhận được bởi mọi việc cứ đảo lộn lên vì điện cúp. Nhưng từ suy nghĩ nghiêm túc về công việc, tự tìm hiểu các thông tin về ngành Điện, dần dần tôi tự thấy hổ thẹn với chính mình. Vì sao ư? Vì tôi là nhân viên của ngành Điện, nhưng tại sao tôi không hiểu tường tận lý do cúp điện, không thể tự giải thích cho người dân khi họ bức xúc vì chuyện điện đóm?!.

 

Rõ ràng, nhu cầu cuộc sống của con người ngày càng cao, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng lên không ngừng. Trong khi đó, do thiếu vốn, tốc độ phát triển nguồn điện lại chưa thể theo kịp. Vì vậy, nguồn điện rất cần được ưu tiên cho những mục tiêu quan trọng, đảm bảo ổn định và phát triển xã hội.

 

Chúng ta cứ hình dung xem bệnh viện sẽ như thế nào khi điện cung cấp không đảm bảo, liên tục. Một ca phẫu thuật đang diễn ra nếu điện cúp thì hậu quả sẽ như thế nào? Trường học đang giờ học tập mà không có điện thì sẽ ra sao? Một nhà máy đang sản xuất nếu không có điện, công việc sẽ đình đốn, đời sống người lao động sẽ vô cùng khó khăn…. Nhiều câu hỏi tương tự được đặt ra trong đầu tôi. Vậy thì làm sao để tiết kiệm điện, đảm bảo nguồn điện cung cấp cho các lĩnh vực thật sự cần phụ tải điện cao như bệnh viện, quốc phòng, trường học, cơ sở sản xuất…

 

Tôi cũng dần hiểu ra rằng, chính từ những khó khăn bất khả kháng này mà Chính phủ cũng như ngành Điện trong nhiều năm qua đã tích cực tuyên truyền đến người dân để các khách hàng thấu hiểu lý do tiết giảm điện từ tiêu dùng đến các cơ quan, nhà máy và nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm trong mọi lĩnh vực của xã hội.

 

Từ ý thức đến hành động. Tôi đã mày mò tìm hiểu thông tin và cố gắng giải thích cặn kẽ cho khách hàng, bà con lối xóm thông cảm, cùng chia sẻ, hợp tác với ngành Điện để có thể vượt qua được tình trạng thiếu điện này. Tâm sự của tôi đến với mọi người như một công dân đang sử dụng điện hằng ngày của EVN. Hy vọng rằng, với sự chân thành, nghiêm túc trong công việc, tất cả các cá nhân trong gia đình EVN sẽ lay động được ý thức của cộng đồng về sử dụng điện hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Để ánh sáng điện luôn luôn hữu ích, đem lại những giá trị lớn lao nhất cho cuộc sống.


  • 22/08/2011 01:39
  • TCĐL (số 10/2010)
  • 5352


Gửi nhận xét