Thay đổi văn hóa doanh nghiệp – Cần thận trọng

Trong nhiều trường hợp, để duy trì sự phát triển và tồn tại lâu dài trước sức ép của cạnh tranh, doanh nghiệp phải đổi mới chiến lược kinh doanh và cũng phải điều chỉnh văn hóa của tổ chức cho phù hợp.

Xuất hiện động lực thay đổi

Động lực thay đổi văn hóa doanh nghiệp xuất hiện khi những bất công, mâu thuẫn tồn tại trong doanh nghiệp đủ lớn để tạo ra sự đấu tranh. Các yếu tố gây mâu thuẫn này còn được gọi là “những thông tin tiêu cực”, gồm: Những thông tin cho thấy doanh nghiệp sẽ không đạt được một số mục tiêu đặt ra; doanh số bán hàng giảm; khiếu nại, phàn nàn của khách hàng tăng; hàng hóa kém chất lượng bị trả lại nhiều; bất đồng ý kiến giữa giữa lãnh đạo và nhân viên ngày một tăng; nhân viên kiếm cớ xin nghỉ việc nhiều… Những thông tin này có thể mới chỉ phản ánh những “triệu chứng” còn chưa có một hậu quả thực sự nào xuất hiện. Các thành viên của doanh nghiệp chỉ thực sự cảm thấy lo lắng, nghi ngờ khi những thông tin này liên quan đến những mục tiêu trọng yếu của doanh nghiệp.

Sự thay đổi chỉ có thể diễn ra khi có yếu tố “an toàn tâm lý”, tức là khi nhân viên cảm thấy yên tâm và sẵn sàng chấp nhận những thay đổi. Yếu tố "an toàn tâm lý" ở đây có thể hiểu như việc nhân viên không thấy lợi ích của mình sẽ bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng hoặc không quá “đau lòng” vì phải từ bỏ những giá trị văn hóa cũ, vốn từng là niềm tự hào sâu sắc của bản thân và doanh nghiệp.

Hình minh họa

Cần thay đổi một cách thận trọng

Khi đã xuất hiện động lực thay đổi thì quá trình thay đổi sẽ diễn ra. Thực chất đây là một quá trình trải nghiệm và có thể có những sai lầm. Sự thay đổi toàn diện nhất chính là thay đổi từ cốt lõi, tức là lớp văn hóa thứ ba (những quan niệm chung).

Có thể coi quá trình “giảm biên chế”, “cải tổ cơ cấu” trong các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam từ những năm 90 là một ví dụ điển hình. Trong thời kỳ bao cấp, công nhân viên trong các doanh nghiệp đều có quan niệm chung rằng họ được thuê theo chế độ tuyển dụng suốt đời (biên chế). Nhưng khi chuyển sang cơ chế thị trường, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân công dư thừa và chi phí tiền lương. Cách thay đổi khôn ngoan và thận trọng mà họ đã lựa chọn là: Thay vì dùng từ “sa thải”, họ dùng các từ như “chuyển đổi cơ cấu”, “cho về hưu non”, hoặc “về mất sức”.

Và họ áp dụng các biện pháp làm cho người lao động không cảm thấy quá bất bình như trả hậu cho những người phải “chuyển đổi” (trả lương một cục); tạo điều kiện về thời gian và trợ giúp họ trong việc tìm kiếm chỗ làm mới; dùng biện pháp tư tưởng để người lao động vẫn tâm niệm là “chúng ta được đối xử tốt và bình đẳng”. Cho đến nay, trong nhiều doanh nghiệp nhà nước đã không còn khái niệm “biên chế” và “tuyển dụng suốt đời” nữa, quan niệm mới đang dần phổ biến: Nếu có năng lực thì mới giữ được vị trí công tác và được trả lương hậu hĩnh.

Để thay đổi, nâng cao trình độ văn hóa tổ chức của mình, các doanh nghiệp nên tham khảo ba vấn đề cốt yếu sau:

- Trước khi thay đổi văn hóa, phải xác định rõ khiếm khuyết trong văn hóa hiện tại của doanh nghiệp.
- Nếp văn hóa mới của doanh nghiệp phải hỗ trợ việc thực hiện thành công chiến lược phát triển. Doanh nghiệp đặt ra một tầm nhìn, sứ mệnh nào và cần điều chỉnh văn hóa ra sao để thực hiện thành công tầm nhìn, sứ mệnh đó?

- Các cá nhân trong tổ chức phải đồng tâm thay đổi hành vi của họ để tạo ra một môi trường văn hóa doanh nghiệp như mong muốn. Đây là bước khó khăn nhất trong quá trình thay đổi văn hóa doanh nghiệp.

Có hai yếu tố rất quan trọng để tạo ra sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp là sự ủng hộ của mọi thành viên và cách thức huấn luyện nếp văn hóa mới của các giám đốc điều hành. Các giám đốc phải là những người đi đầu trong việc điều chỉnh hành vi của mình và phải nhất quán trong việc thay đổi. Các thành viên cần phải hiểu rõ những gì được mong đợi từ họ và phải biết cách thể hiện những hành vi mới trong thực tế.

Khi đã tạo ra những thay đổi về văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp cần củng cố lại hệ thống hành vi, quan niệm chung mới (các lớp văn hóa) và tạo những thông tin tích cực. Khi có được những thông tin tích cực từ môi trường trong và ngoài doanh nghiệp, từ các cổ đông và đối tác, những quan niệm chung mới sẽ ngày càng ăn sâu vào nhận thức của các thành viên. Trong bất kỳ sự thay đổi nào cần quan tâm đến yếu tố tâm lý, một yếu tố rất quan trọng tạo động lực cho sự thay đổi.


  • 23/03/2015 10:07
  • Nguyễn Thúy
  • 4149


Gửi nhận xét