Trẻ con cũng cần... tế nhị

Tôi không ít lần giật mình, thậm chí thấy xấu hổ khi bị con buông lời chê bai trước mặt người khác.

Tôi không ít lần bị ê mặt khi b con buông lời chê bai trước mặt người khác. (Ảnh minh họa).

Con gái tôi học lớp lá. Bé thường nghĩ mình xinh đẹp. Tôi thường nghe con nói về một số bạn trong lớp, chẳng hạn: “Bạn Dũng hôi lắm, con không thích ngồi gần bạn ấy” hay “Bạn Trinh mặc quần áo xấu xí đến trường kìa mẹ”…

Càng ngày con bé càng hay chê bai người khác, khiến tôi nhiều lúc phải xấu hổ và ngại ngùng…

Ai mà thèm chơi!

Một lần, đón con ở trường, tôi thấy có em bé lớp mầm cũng được mẹ đón. Tôi nói với con: “Em bé dễ thương quá, con có thích mai mốt mẹ đẻ em bé không?”. “Em bé xấu hoắc, ai mà thèm chơi!”, con bé trả lời gọn lỏn. Tôi không biết nói gì với người mẹ kia, đành cười trừ.

Về nhà, tôi nổi cơn thịnh nộ, đánh vào mông con. Nó vừa khóc vừa nói: “Em bé xấu thật mà, con không thèm chơi với em bé đó. Sao mẹ đánh con?”. Tôi im lặng vì chưa biết giải quyết như thế nào…

Lần khác, một người họ hàng đến nhà chơi, tôi bảo con: “Chào bà đi con”. “Bà già quá, da nhăn thấy ghê”, con bé dấm dẳng, còn tôi thì đỏ cả mặt. Chờ khách ra về, tôi gọi con bé ra. “Tại sao con nói vậy”. “Bà già thiệt mà mẹ!”... Đến nước này thì phải áp dụng cách khác thôi.

Cảm thông và tế nhị

Tôi dành nhiều thời gian hơn để gần gũi con. Khi con chê bạn nào đó, tôi sẽ đặt con vào vị trí của người đó và hỏi bé suy nghĩ gì. Khi bé nói: “Bạn Quỳnh da xấu quá”, tôi sẽ hỏi luôn: “Da con đẹp không”. “Dạ có”. “Nếu mai mốt da con xấu thì sao? Lúc đó, nếu có ai chê bai con của mẹ là da xấu, mẹ sẽ buồn lắm, còn con, con có buồn không?”.

“Có mẹ ạ”. “Vậy con đừng chê ai nữa nhé”. “Vì họ sẽ rất buồn, đúng không mẹ?”. “Đúng rồi con”.

Khi con chê một người nào đó già, tôi sẽ nói với con: “Mai mốt mẹ cũng già vậy đó”. Con bé buồn buồn: “Con không thích mẹ già”. “Nhưng khi con lớn lên, mẹ sẽ già đi. Lúc đó, nếu ai chê mẹ già, mẹ buồn lắm! Bây giờ, đố con nhé, con chê bà già, bà có buồn không?”. “Dạ có”. “Mà con thì đâu muốn làm ai buồn, đúng không?”. “Dạ đúng mẹ à!”.

Sau nhiều cuộc nói chuyện, con gái tôi đã thay đổi, ít hẳn đi những lần… thiếu tế nhị. Còn tôi nhận ra, khi con có những nhận xét gây mất lòng ai, điều đầu tiên là mẹ không được đánh cũng như cấm con nói lên nhận xét của mình, chỉ là dạy bé nên giữ điều đó trong lòng mà thôi.

Khi con chê ai đó, cha mẹ không nên nói với con rằng con đã sai, vì như vậy là bạn không tôn trọng ý kiến của bé. Điều này sẽ khiến bé ngày càng thích chê bai người khác. Hãy khuyên bé đặt bản thân vào vị trí của người bị chê, bé sẽ bớt chê bai người khác và biết giữ những nhận xét ở trong lòng.

 


  • 25/10/2012 04:38
  • Theo eva.vn
  • 1817


Gửi nhận xét