Triết lý marketing của Apple

Tên tuổi Steve Jobs mãi gắn với hình quả táo cắn dở và thương hiệu Apple bởi những chiến lược marketing độc đáo, khác biệt và hiệu quả. Thế nhưng, chắc hẳn ít người biết rằng, nguồn gốc sâu xa triết lý marketing của Apple bắt nguồn từ trí tuệ và kinh nghiệm của Mike Markkula - chuyên gia tiếp thị bậc nhất thung lũng Silicon, nhà quản lý cấp cao về tiếp thị tại Intel.

Triết lý marketing của Apple gồm ba điểm chính là thấu hiểu khách hàng, sự tập trung và áp đặt.

Nguồn gốc sâu xa của triết lý marketing của Apple bắt nguồn đầu tiên từ người đã có ảnh hưởng rất lớn đến Steve Jobs, đó là Mike Markkula - cổ đông lớn nhất của Apple vào những ngày đầu gầy dựng. Mike Markkula là nhà đầu tư tiên phong vào công ty công nghệ non trẻ Apple từ những ngày đầu thành lập. Chính Markkula đã góp một khoản đầu tư trị giá 250.000 đô la để chuyển Apple từ gara để xe thành một công ty đại chúng được nhiều người biết đến.

Với kinh nghiệm làm quản lý cấp cao về tiếp thị tại một công ty hàng đầu về kỹ thuật là Intel, không khó để ông lấy được sự kính trọng từ Steve Jobs cùng với Wozniak (hai cha đẻ của Apple). Markkula cũng là người xuất sắc trong khả năng định hướng chiến lược giá cả, mạng lưới phân phối, tiếp thị và tài chính. Đặc biệt là ông còn có sự kết nối về tầm nhìn với Steve Jobs khi ông đặt việc sáng tạo ra một sản phẩm hoàn hảo lên trên lợi nhuận của công ty.

“Đừng bao giờ thành lập một công ty vì mục đích làm giàu. Mục tiêu của bạn là phải tạo ra một thứ mà bạn tin tưởng và đảm bảo cho công ty tồn tại lâu dài.” Markkula có lần nói với Steve Jobs như vậy. Vì thế, nên ông và Jobs đã cùng nhau viết những nguyên tắc về triết lý marketing của Apple:

- Thứ nhất là thấu hiểu. Một sự kết nối thân mật với cảm nhận của khách hàng. Apple sẽ là nơi hiểu được nhu cầu của khách hàng hơn bất kỳ công ty nào khác.

- Thứ hai là tập trung. Để làm tốt những việc đã đề ra, chúng ta phải loại bỏ những thứ không quan trọng.

- Thứ ba và không kém phần quan trọng, tạm gọi là áp đặt. Điểm thứ ba này nhấn mạnh rằng quan điểm của mọi người về một công ty, dịch vụ và sản phẩm nào đó được hình thành dựa trên những dấu hiệu đầu tiên mà nó muốn truyền tải. Có nghĩa là người ta sẽ đánh giá cuốn sách dựa trên cái bìa của nó. Chúng ta có thể có những sản phẩm tốt nhất, chất lượng hoàn hảo nhất, phần mềm hữu ích nhất. Nhưng nếu chúng ta giới thiệu chúng theo một cách thức cẩu thả, khách hàng sẽ đánh giá ngay những sản phẩm đó là cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp. Ngược lại, nếu sản phẩm được giới thiệu một cách sáng tạo, chuyên nghiệp thì bạn đã gán cho chúng chất lượng như khách hàng mong muốn.

Dựa trên ba tiêu chí quan trọng này, chiến lược marketing mà Apple sử dụng khác hẳn với đối thủ cạnh tranh từ các khâu như lập website, giới thiệu các sản phẩm mới, chăm sóc khách hàng cũng như quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, điều đặc biệt nhất và cũng được nhiều người biết đến nhất là Apple luôn luôn giữ những thông điệp tiếp thị thật đơn giản với mục đích giúp người dùng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ chia sẻ thông điệp của hãng.

Đơn giản như chính triết lý thiết kế mang lại hào quang cho tất cả các sản phẩm của Apple mà Steve Jobs ảnh hưởng bởi triết lý thiết kế "vũ trụ” của người Nhật: Vẻ đẹp và ý nghĩa từ cái trống rỗng. Với quảng cáo dành cho sự ra mắt của mọi sản phẩm, Apple vẫn trung thành với triết lý marketing này. 

Cách thức marketing trên của Apple không có gì là ngạc nhiên nhưng có lẽ cho đến thời điểm này chỉ có Apple thực hiện được bằng tất cả những "ma thuật" đầy mê hoặc của mình và trở thành "gã khổng lồ" của ngành thiết bị di động thế giới.


  • 26/02/2015 01:59
  • Nguồn bài và ảnh: Trí thức trẻ
  • 2505


Gửi nhận xét