Vietjet Air và cách tiếp thị "gây bão": Được gì, mất gì ?

Thêm một cách tiếp thị táo bạo, khác biệt, đi ngược lại tiêu chí văn hóa phương Đông và lần này người ta nhắc nhiều hơn đến cái tên Vietjet Air (VJA). Thương hiệu hàng không Việt Nam này liệu thu hoạch được gì qua sự kiện đang gây bão dư luận hiện tại.

Liệu có được gì?

Từ hình ảnh lịch lãm của các nhân viên VJA đến những hình ảnh PR rò rỉ gây bão thời gian gần đây - Ảnh sưu tầm.

Ngay khi những bức hình chụp quảng cáo của 10 người mẫu trong trang phục bikini của Vietjet Air bị "rò rỉ", trước khi hãng chính thức tung ra chiến dịch quảng cáo, nhiều ý kiến đã tỏ rõ thái độ thất vọng trước cách xây dựng hình ảnh của hãng hàng không này. Bộ bikini các chân dài mặc được thiết kế với hai màu đỏ, vàng theo màu sơn của hãng bay này rất giống với màu quốc kỳ Việt Nam. Chưa kể, tư thế tạo dáng của các chân dài được đánh giá khá chướng mắt người xem.

Đa số các bình luận đều cho rằng, ý tưởng quảng cáo của Vietjet Air quá lố, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Đáng chú ý, thay vì ném đá các người mẫu như một vài "sự cố" tiếp thị tương tự trước đây, phần lớn bình luận quay sang ném đá hãng máy bay vì chủ ý dùng hình ảnh bikini quảng bá quá khiêu khích, cũng như đặt dấu hỏi cho cơ quan chức năng về hoạt động quảng cáo này. Được biết, Vietjet Air từng bị phạt 20 triệu đồng do hãng này tổ chức biểu diễn trang phục bikini trên tàu bay khi chưa được nhà chức trách cho phép năm 2012.

Dù là vô tình hay cố ý, thì hãng cũng đã được dư luận nhắc tên mình, thậm chí nhắc rất nhiều. Nhiều thương hiệu có những cách làm táo bạo hơn nhưng còn chẳng được mọi người nhớ đến cái tên, như những bộ ảnh quảng cáo nude của những người nổi tiếng người ta chỉ nhớ đến… tên của người mẫu. Với những hình ảnh được nhiều người đánh giá là "phản cảm" lần này, người ta đã nhớ đến tên của Vietjet Air. Vậy mục đích của họ là gì ? Không phải lần đầu tiên VJA dùng hình ảnh bikini và cũng không phải lần đầu tiên thuê người nổi tiếng quảng cáo. Có nhiều cách để làm tăng khả năng nhận diện thương hiệu (đồng thương hiệu, tài trợ sự kiện, mua giải thưởng…) còn VJA chọn cách gắn tên thương hiệu với người nổi tiếng. Với hình ảnh các cô tiếp viên mặc bikini nhún nhảy, họ muốn tạo dựng hình ảnh thương hiệu trẻ trung, năng động, tươi mát và tất nhiên là sexy. Sự kiện quảng cáo lần này có tính lan tỏa mạnh, và cũng ghi nhận nhiều ý kiến tiêu cực hơn.

Khác với những lần quảng cáo trước, được giải thích là do khai trương đường bay mới, chào hè hay chào mừng festival. Bộ ảnh bikini lần này đưa ra vào lúc thương hiệu đang bị phàn nàn nhiều về chất lượng dịch vụ. Một chuyên gia về marketing đã nhận định về vấn đề này: 'Hãy luôn nhớ yếu tố khác biệt, táo bạo có thể giúp tên thương hiệu xuất hiện ở các phương tiện truyền thông nhưng không giúp thương hiệu đi vào tâm trí khách hàng. Tâm trí khách hàng chỉ có thể chiếm lĩnh bằng những đặc tính ưu việt của sản phẩm được đưa ra với những thông điệp rõ ràng chạm được vào cảm xúc của họ chứ không phải là đôi chân dài của cô người mẫu. Tạo sự chú ý là bước cần có trong chiến dịch quảng cáo marketing, nhưng cần phải tận dụng được sự chú ý đó để khéo léo đưa ra thông điệp lõi của dịch vụ và sản phẩm để khách hàng ghi nhớ thương hiệu một cách mạnh mẽ và đúng hướng".

Do đó, câu chuyện cốt lõi của Vietjet nếu muốn lấy lòng được khách hàng thìphải cho thấy được sự cải tiến trong chất lượng dịch vụ.

Hay sẽ mất rất nhiều?

Chia sẻ nóng với báo chí trưa ngày 19/9, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng - Giám đốc phát triển của VietjetAir cho biết những hình ảnh được cư dân mạng chuyền tay nhau thời gian gần đây đều là từ một buổi chụp thử. “Chúng tôi khẳng định đây không phải là ảnh quảng cáo chính thức của Vietjet. Cái đó xuất phát từ buổi chụp thử theo hợp đồng của Vietjet ký với công ty Venus của ông Vũ Khắc Tiệp”. Khi được hỏi mục đích của buổi chụp thử là gì nếu hình ảnh không được sử dụng để quảng cáo cho hãng, thì vị này trả lời, đó là sản phẩm "xé nháp" nên chưa biết dùng làm gì. Ông Tùng nói thêm việc hình ảnh "rò rỉ" là do nhân viên sân bay chia sẻ trên các diễn đàn mạng chứ không phải hoạt động PR của công ty. Ông khẳng định cho tới lúc này, phía Vietjet Air chưa nhận được bất kỳ khiếu nại, xử phạt nào liên quan đến việc chụp ảnh bikini trên.

VJA nên kiểm soát thông tin trước khi cơ quan quản lý có ý kiến chính thức. Cần nhớ là trước đây, họ cũng đã từng bị phạt vì những vấn đề tương tự. Những ý kiến tiêu cực lần này nghiêm trọng hơn những lần quảng cáo trước, và nó có thể gây hại cho thương hiệu nếu không được điều chỉnh. Trong một xã hội thích ‘’cởi’’ nhưng chưa ‘’mở’’ hết về văn hóa, dù sao những hình ảnh bikini hai màu đỏ, vàng dễ bị coi là phản cảm. Thêm một vài bài báo về hình chụp quảng cáo bikini của các hãng hàng không thế giới, để biến nó thành điều thông thường hay hướng sự chú ý của dư luận vào… người mẫu có lẽ nên là cách xử lý khôn ngoan tiếp theo.


  • 23/09/2014 08:49
  • Tổng hợp theo Infonet
  • 3002


Gửi nhận xét