Tập đoàn ô tô Ford: Đồng tính, khuyết tật, da trắng, da màu... ai cũng có cơ hội

Dù mang giới tính, màu da, tôn giáo nào... tất thảy đều được Ford hoan nghênh bằng chính sách đa dạng hóa đãi ngộ công bằng như nhau.

Sự bùng nổ của các tập đoàn đa quốc gia cùng tính đa dạng hóa toàn cầu đã dẫn đến việc những con người đến từ những miền đất, văn hóa khác nhau cùng làm việc tại một văn phòng, một công ty. Do có nhiều sự khác biệt nên xung đột là điều rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, nếu làm chủ được tính đa dạng hóa thì doanh nghiệp không những có thể giảm thiểu xung đột mà còn tận dụng được tối đa tất cả những lợi ích nó mang lại. Một trong những công ty thành công nhất trong việc tận dụng nhân lực đa dạng hóa toàn cầu chính là Ford Motor.

Tại Ford, đóng góp của nữ giới và các nhóm thiểu số rất ổn định và đang tăng dần - Ảnh sưu tầm

Tại sao Ford coi trọng tính đa dạng hóa?

Muốn gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, đối tác... trên toàn cầu thì cần phải hiểu được nhu cầu của họ. Sở hữu và duy trì một lực lượng lao động đa quốc gia chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Ngay từ hồi đầu thành lập, ông chủ tập đoàn Henry Ford đã rất coi trọng sự đa dạng hóa.

Khi đã có sự đa dạng hóa trong công ty, từ sắc tộc, quốc tịch, giới tính, tuổi tác... thì tính công bằng là điều vô cùng cần thiết. Nếu có sự phân biệt đối xử thì cả nhân viên lẫn công ty đều chịu thiệt thòi. Nhân viên không có cơ hội thể hiện mình, công ty cũng không thu được lợi ích tối đa khi sự đóng góp của nhân viên bị câu thúc bởi những sự phân biệt không liên quan tới công việc.

Chiến lược: Đa dạng và công bằng

Tính đa dạng hóa thể hiện trên mọi phương diện, không chỉ giới hạn trong những yếu tố như chủng tộc, dân tộc, giới tính, tuổi tác, khuyết tật... mà còn cả văn hóa, tôn giáo, giáo dục, kinh nghiệm, quan điểm​​, tín ngưỡng, ngôn ngữ, quốc tịch và nhiều hơn thế nữa.

Không giới hạn sắc tộc

Năm 1914, hàng nghìn lao động nhập cư, nhất là người Mỹ gốc Phi đổ xô tới Ford vì mức lương cao gấp đôi so với tiêu chuẩn công nghiệp hiện hành. Đây là sự kiện mang tính cách mạng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, khai sinh ra một tầng lớp trung lưu mới, giúp Ford trở thành một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên đi lên nhờ sự đa dạng. Nhân viên của Ford đến từ hơn 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những nhóm dân tộc thiểu số, ví dụ như người Hispanic, người châu Á, người Mỹ gốc Phi... Năm 1920, Ford là công ty thuê nhiều công nhân người Mỹ gốc Phi làm việc theo giờ nhất.

Ford có công cụ hữu ích mang tên "dẫn đường văn hóa", cho phép nhân viên tiếp cận, thực hiện các dự án quốc tế và làm việc trong những nhóm đa quốc gia. Giám đốc nhân sự của Ford, bà Pam Paglino cho biết: "Chúng tôi khuyến khích họ thấu hiểu giá trị của nền văn hóa khác, đặc biệt trong thế giới ngày nay". Ngoài ra, đào tạo ngôn ngữ cũng là biện pháp được hãng này coi trọng, nhằm mục đích giúp những nhân viên mà ngôn ngữ không phải là tiếng Anh, mở cửa cho họ được hưởng lợi từ cải thiện kỹ năng giao tiếp.

Công bằng trong giới tính

Năm 1946, giới tính được đưa vào điều khoản không phân biệt đối xử, nhờ đó lực lượng lao động nữ giới tại đây ngày một tăng lên. Năm 2005, Anne Stevens trở thành phó chủ tịch kiêm COO (Chief Operating Officer – Giám đốc điều hành) của Ford tại châu Mỹ. Cô là người phụ nữ có thứ hạng cao nhất trong ngành công nghiệp ô tô. Tại Ford, có một hiện tượng vô cùng rõ ràng, đó là sự đóng góp của nữ giới và các nhóm thiểu số rất ổn định và đang tăng dần. Đây cũng là lợi ích lớn nhất cho công ty khi toàn bộ tài năng và nhân lực đều được tận dụng triệt để.

Người khuyết tật, tuổi về hưu cũng được đãi ngộ

Trong số đội ngũ lao động của Ford có đến 900 người khuyết tật. Tập đoàn luôn tự hào là một trong số ít các doanh nghiệp có khả năng mang lại cho họ một môi trường làm việc tiện nghi và phù hợp. Không chỉ có sự công bằng về mặt giới tính, quốc tịch, Ford còn có chính sách công bằng về mặt tuổi tác. Năm 2013, Ford tiếp tục chạy chương trình thí điểm giai đoạn nghỉ hưu, cho phép người sắp nghỉ hưu làm việc bán thời gian trong vòng 6 tháng. "Họ cần phải chuẩn bị cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu, công ty cũng có lợi nhờ quá trình bàn giao, chuyển đổi kinh nghiệm từ những người đã cống hiến ba, bốn chục năm xuống cho những người mới sắp sửa đảm nhận trách nhiệm", bà Paglino cho biết.

Tại đây, khác biệt chỉ là con số 0

Ford luôn muốn đem lại cảm giác công bằng cho toàn bộ công nhân viên đến từ những nơi khác nhau. Tập đoàn thành lập các nhóm, tổ chức, hiệp hội riêng và cho phép họ tham gia đồng thời thể hiện tiếng nói. Tổ chức nhân lực - Employee Resource Groups (ERGs) ra đời vào đầu những năm 1990. Hiện mạng lưới của ERGs bao gồm hàng nghìn nhân viên trong 10 tổ chức hoạt động như: Mạng lưới cựu chiến binh, mạng lưới nhân viên khuyết tật Ford, nhóm người đồng tính Ford, Hiệp hội Ford Trung Quốc, cộng đồng người Trung Đông tại Ford, Hiệp hội Châu Á - Ấn Độ và đa tín ngưỡng Ford. Tất cả các nhóm này đều có nhà tài trợ điều hành, lãnh đạo, hàng tháng đều có cuộc họp mặt với giám đốc nhân sự Paglino.

Các doanh nghiệp nên có sự đa dạng hóa trong nhân lực bởi tất cả đều là con người, cần được tôn trọng và đãi ngộ công bằng như nhau. Nhờ sự công bằng, ai ai cũng cảm thấy được khích lệ, gắn bó với công ty.


  • 13/06/2014 10:33
  • Tổng hợp theo Trí thức trẻ
  • 2021


Gửi nhận xét