Samsung và những chuyện chưa bao giờ kể

Mới chỉ cách đây vài năm, nhắc đến Samsung, trong hình dung của nhiều người đó là chiếc điện thoại dạng nắp gập nhỏ nhắn, giá rẻ, rất hay đứt cáp màn hình...

Dù thích hay không thích Samsung, chúng ta không thể không thừa nhận một điều rằng trong hoàn cảnh thị trường smartphone (điện thoại thông minh) hiện giờ vẫn là cuộc đua song mã giữa Samsung và Apple, trong khi tất cả các nhà sản xuất còn lại đều đang giãy giụa với nỗ lực "trụ hạng" hoặc thậm chí là chiến đấu giành quyền tồn tại, chắc chắn Samsung phải có "công thức bí mật" tạo nên sự thành công của mình.

Ảnh minh họa.

Câu chuyện 1: Bài diễn văn 8500 trang và 2000 hạt giống giá 100 triệu USD

Hiện tại Samsung là 1 trong những tập đoàn tư nhân lớn và lâu đời nhất Hàn Quốc, tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu của Samsung chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc và đóng góp khoảng 17% GDP cho đất nước, nổi tiếng với 3 ngành kinh doanh chính là điện máy, hóa chất và xây dựng. Ảnh hưởng của Samsung ở xã hội Hàn Quốc lớn tới mức tập đoàn này gần như trở thành 1 quyền lực thứ 2 bên cạnh chính phủ.

Đầu những năm 90, các sản phẩm của Samsung hầu như chỉ có ý nghĩa tiêu dùng trong nước vì khi xuất khẩu ra những thị trường khó tính hơn như Châu Âu, Mỹ, sản phẩm của Samsung thường "lép vế" vì chất lượng thấp dù giá thành rẻ. Cũng giống như các sản phẩm made in China bây giờ, made by Samsung sử dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Hàn Quốc sau chiến tranh Nam - Bắc Hàn để sản xuất hàng loạt trong khi chất lượng sản phẩm thì phần nào bị "thả nổi".

Năm 1987, chủ tịch sáng lập Samsung qua đời, 2 tuần sau đó Lee Kun Hee, con trai thứ 3 của ông tiếp quản đế chế Samsung. Đứng trước một Samsung đang khá trì trệ của những năm 80, Lee Kun Hee quyết định bắt đầu chiến dịch thay đổi cách làm việc của Samsung bằng cách... không đến công ty. Làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, nhất định không nghe điện thoại và tiếp khách, Lee Kun Hee muốn buộc các quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó.

Dưới sự lãnh đạo của Lee Kun Hee, giá trị vốn hóa của Samsung tăng gấp 2,5 lần sau 6 năm từ 1988 - 1993. Ai cũng nghĩ mọi chuyện thế là đâu vào đấy và Lee đã hài lòng. Năm 1993, Lee Kun Hee đưa những lãnh đạo cao cấp của Samsung sang Mỹ và các nước châu Âu để "mở mắt" cho cấp dưới của mình về sức cạnh tranh yếu kém của các sản phẩm Samsung trên thị trường quốc tế. Lúc ấy Lee hỏi những người xung quanh: "Tôi muốn năm 2000 Samsung trở thành 1 công ty tầm cỡ quốc tế, với tốc độ tăng trưởng như thế này, liệu chúng ta có thể đạt tới vị trí đó vào năm 2000 hay không?" Câu trả lời là: Không.

Đối diện với sự giận dữ của chủ tịch tập đoàn, những lãnh đạo cấp cao của Samsung không biết làm gì ngoài gãi đầu gãi tai. Đối với tư duy của những người đã quen tâm lý thỏa mãn, tăng trưởng 2,5 lần trong vòng 6 năm đã là 1 con số trong mơ. Đến tháng 6/1993, khi đoàn thị sát tới Frankfurt (Đức), Lee Kun Hee nhận được bản báo cáo từ 1 cố vấn người Nhật tại Trung tâm thiết kế Samsung. Bản báo cáo phơi bày những thực tại đáng buồn như việc cả 1 văn phòng với mấy trăm con người hoạt động hết sức uể oải.

Phẫn nộ với sự thờ ơ của các nhân viên dưới quyền, Lee triệu tập 1 cuộc họp khẩn cấp với hàng trăm lãnh đạo cao cấp của Samsung tại ngay Frankfurt. Cuộc họp kéo dài 3 ngày về sau này được nhắc tới với cái tên "Tuyên ngôn Frankfurt 1993". Một trong những câu nói trở thành bất hủ của Lee trong "Tuyên ngôn Frankfurt" là: "Các anh hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con". Thúc giục nhân viên dưới quyền tự "dịch kinh tẩy tủy", "Nếu đến 1994 Samsung không thể sản xuất được những chiếc điện thoại đủ sức cạnh tranh với Motorola thì Samsung sẽ tự đặt mình ra ngoài ngành công nghiệp điện thoại".

Nội dung của "Tuyên ngôn Frankfurt" được cô đọng lại thành "Chính sách quản lý mới" của Samsung và trình bày thành 1 cuốn sách 200 trang, phát đến tận tay cho từng công nhân. Kể từ đó, "Chính sách quản lý mới" được coi như thánh kinh của Samsung, thậm chí cả căn phòng khách sạn nơi diễn ra cuộc họp năm 1993 cũng được Lee cho "bốc" về tổng hành dinh của Samsung ở Hàn Quốc và tái tạo nguyên bản để làm nơi "thờ phụng", tồn tại như 1 vật chứng nhắc nhở nhân viên Samsung không bao giờ tự thỏa mãn và luôn khát khao hướng đến chất lượng sản phẩm để chinh phục thị trường quốc tế.

Trong 5 năm từ 1994 đến 1999 mỗi năm Samsung chọn ra 400 người trẻ tuổi có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, nhét vào tay họ 1 nắm tiền và tung đội ngũ này ra nước ngoài trong 1 năm, mặc cho họ đi đâu, làm gì thì tùy. Lee hi vọng đội ngũ hạt giống này có thể trở về với hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc về thị trường bản địa mà họ tới "nằm vùng".

Sau khi trở về từ nước ngoài, đội ngũ hạt giống này sẽ trở thành chủ lực cho chính sách "tập đoàn toàn cầu, thấu hiểu địa phương" của Samsung. Đến tận bây giờ Trung tâm phát triển nhân lực của Samsung đóng ở Hàn Quốc vẫn tiếp nhận khoảng 50 ngàn học viên mỗi năm. Công cuộc "luyện quân" của Samsung kéo dài suốt hơn 20 năm đến bây giờ vẫn không hề có dấu hiệu "lão suy".

Câu chuyện thứ 2: "7 đến 4" và 5%

Để hiểu hơn về câu chuyện này, hãy quay trở lại 1 chút vào thời điểm cuối những năm 1960 khi Lee Byung Chul người sáng lập Samsung, cha của Lee Kun Hee tìm kiếm người kế vị mình trong số 3 người con trai. Người Hàn Quốc vốn rất kiêng kỵ việc "phế trưởng lập thứ" thấy bị sốc khi Byung Chul sa thải 2 người con trai lớn đang làm việc tại Samsung để đảm bảo Lee Kun Hee có thể danh chính ngôn thuận bước lên ngai vàng mà không sợ bị 2 anh tranh giành quyền lực sau khi cha mất. Là con trai út, Lee Kun Hee sở hữu 1 tính cách khá trầm lặng nhưng lại vô cùng quyết liệt.

Có lẽ chính vì sự quyết liệt ấy mà khi Lee Kun Hee tuyên bố mình sẽ đổi giờ làm việc của Samsung sang khung 7h sáng đến 4h chiều, không một ai trong số hơn 50 ngàn nhân viên của Samsung năm 1993 dám cãi lời chủ tịch.

Trong khi giờ làm việc của người Hàn Quốc bắt đầu lúc 9h sáng và kết thúc lúc 6h chiều, Lee Kun Hee yêu cầu tất cả nhân viên của mình rời nhiệm sở lúc 4h chiều để giành thời gian cho các hoạt động xã hội cũng như tham gia những khóa đào tạo ngoài giờ của tập đoàn. Sau 4h chiều, Lee Kun Hee thường tự mình gọi điện đến các bộ phận của Samsung một cách ngẫu nhiên, bất kỳ ai trả lời điện thoại sau 4h chiều đều bị quở mắng thậm tệ.

Kết quả là trong suốt những năm cuối thập niên 90, không một công ty nào trên thế giới có tốc độ thay đổi nhân sự ở các vị trí lãnh đạo cao cấp nhanh như Samsung.

Thay cho lời kết

Dù yêu hay ghét hoặc thậm chí là thờ ơ với Samsung, chúng ta không thể phủ nhận rằng sự vươn lên của Samsung từ một nhà sản xuất "hạng hai" lên thành thế lực quan trọng nhất trong ngành công nghiệp điện thoại toàn cầu là một kì tích. Dù kì tích ấy bắt nguồn từ sự nghiêm khắc trong khâu quản lý chất lượng, từ những đợt "luyện quân" cật lực hay chỉ đơn giản là cách chọn điểm rơi thị trường đúng đắn thì câu chuyện về 1 Samsung không sợ thay đổi vẫn là một trong những câu chuyện thú vị nhất về lịch sử của những thương hiệu hiện đại.

Với những gì Samsung thể hiện ở Galaxy S4, con đường củng cố ngôi vô địch của Samsung có lẽ vẫn chưa dừng lại tại đây. Trong khi Apple đang xoay sở tìm cách thoát ra khỏi lối mòn, Nokia vẫn đang bếp bênh bên bờ tụt hạng, BlackBerry và Sony, HTC cùng đang nắm tay nhau tụt dốc, hiện tại Samsung đang là công ty thú vị nhất trong số các nhà sản xuất smartphone. 


  • 04/06/2014 02:25
  • Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 2157


Gửi nhận xét