Trái với cậu em lớp 7 ưa nghịch phá, ham chơi khiến bố mẹ luôn đau đầu, Mai luôn là niềm tự hào của cha mẹ với thành tích học tập giỏi, lại luôn chăm ngoan, đặc biệt cô bé nấu ăn rất khá khiến bố mẹ không ít lần được nở mày nở mặt với bạn bè, họ hàng. Đối với chị Thư, cô con gái như viên ngọc, chị chỉ ước cậu con trai bằng một phần cô chị thì anh chị đỡ lo bao nhiêu. Không ngờ, đứa con gái chị tin yêu, mới "nứt mắt" lại có thể dính vào chuyện yêu đương nhăng nhít.
Vừa về đến nhà, Mai đã bị mẹ cha hỏi dồn. Đáp lại chỉ là cái cau mày và câu nói "xẵng": “Mẹ, con lớn rồi” và chạy vào phòng đóng sập cửa lại. Chị Thư thực sự “choáng”, chưa bao giờ con gái chị hành xử như vậy. Chị chắc mẩm chính chuyện yêu đương vớ vẩn kia đã làm hư đứa con ngoan của chị, và nguyên nhân chủ yếu chính là cậu “gà bông” của con.
Thực tế thì rất nhiều bậc cha mẹ có con gái tuổi teen gặp trường hợp như chị Thư. Và phải khẳng định một thực tế rằng, rất nhiều học sinh cấp 3, thậm chí cấp 2 đã bắt đầu có tình yêu học trò.
|
(Ảnh minh họa) |
Nhận định về nguyên nhân trẻ yêu sớm, các nhà tâm lý cho rằng, đó có thể là do trẻ dậy thì sớm, học sinh lớp 7, lớp 8, thâm chí là lớp 5 đã bắt đầu dậy thì. Thời kỳ này các hooc môn sinh dục tác động đến tâm lý làm các em có cảm giác hiếu kỳ với vấn đề nam nữ.
Thêm vào đó, sự du nhập văn hóa phương Tây vốn khá thoáng trong tình yêu tuổi teen, sự tiếp cận thông tin giới tính qua nhiều nguồn dễ dàng hơn cũng là một trong những yếu tố tác động đến các em. Đồng thời, các nhà tâm lý cũng cho rằng, yếu tố ảnh hưởng của bạn bè cũng là một trong những lý do khiến trẻ yêu sớm. Khi thấy bạn bè có người yêu, nhiều trẻ cũng bắt chước, hay ghen tị, cố tìm cho mình chàng/ nàng "gà bông" để bằng bạn bằng bè, hay đơn giản là để đỡ phải lẻ loi một mình khi bạn bè đi chơi với "người yêu".
Ngoài ra, một số nghiên cứu xã hội học cũng cho thấy, nhiều trường hợp trẻ có người yêu sớm xảy ra ở những gia đình đổ vỡ, cha mẹ sống không hạnh phúc, các gia đình cha mẹ ít có điều kiện quan tâm, chia sẻ nhiều với con cái, trẻ bị thiếu thốn tình cảm và tìm đến tình yêu để có được cảm giác tin cậy, được người khác yêu thương…
Để đối mặt với việc trẻ yêu sớm và có cách hành xử đúng đắn, phụ huynh cần xác định xem trường hợp con mình thuộc nguyên nhân nào để có đối sách phù hợp nhất. Và điều quan trọng nhất các nhà tâm lý khuyên các bậc cha mẹ là: Tuyệt đối không nên mất bình tĩnh, nóng nảy chửi mắng, cấm cản, dùng những lời lẽ nặng nề xúc phạm con.
Tuổi dậy thì là tuổi có những thay đổi phức tạp về tâm lý, ở tuổi này trẻ thường có xu hướng muốn được người khác công nhận mình trưởng thành, khát khao khẳng định cái tôi rất lớn. Vì vậy, khi nóng nảy, xúc phạm trẻ, vô tình phá vỡ hoàn toàn những hệ giá trị trẻ đã xây dựng cho bản thân mình, trẻ thấy mình không được tôn trọng, niềm kiêu hãnh của trẻ bị sụp đổ. Tình huống này sẽ xảy ra 2 khả năng: Với những trẻ yếu đuối sẽ càng trở nên tự ti, tự thu mình vào thế giới riêng. Với những trẻ mạnh mẽ hơn sẽ có tư tưởng phản kháng, trẻ sẽ phản ứng mãnh liệt để tự vệ. Trẻ sẽ phản ứng với bất kỳ quyết định gì từ cha mẹ, có xu hướng làm ngược lại điều cha mẹ mong muốn. Cả 2 trường hợp này đều dẫn đến việc trẻ ngày càng xa rời cha mẹ, xa rời gia đình. Điều này cực kỳ nguy hiểm, vì tuổi này trẻ dễ hành động nông nổi, vốn kiến thức xã hội và kinh nghiệm sống của trẻ còn ít, một khi trẻ tự xây bức tường ngăn cách với sự giáo dục của cha mẹ thì hậu họa khôn lường.
Bởi vậy, đối sách quan trọng nhất của cha mẹ trong trường hợp này là hãy bình tĩnh chia sẻ, làm bạn với con. Điều đầu tiên cha mẹ cần làm, đó là hãy nghĩ về những xúc cảm thời niên thiếu của mình. Ai cũng có những xúc cảm đầu đời trong sáng, nhớ về những điều đó để hiểu con hơn, hiểu về những xúc cảm đang rối rắm của con.
Cha mẹ cũng phải biết câu chuyện của con để có những lời khuyên hợp lý. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng dễ dàng có được sự chia sẻ từ con cái. Đa số trẻ đều sợ cha mẹ phản đối mà giấu nhẹm đi những chuyện yêu đương này. Vậy nên bạn phải tạo được sự tin tưởng của trẻ. Thường xuyên theo sát các bước thay đổi của con để kịp thời phát hiện và tâm sự cùng con. Có thể tỏ thái độ thông cảm với tình yêu tuổi teen để trẻ yên tâm rằng ba mẹ không cấm cản và trẻ dễ tiết lộ về việc có bạn trai/ bạn gái. Có thể kể về câu chuyện yêu đương ngày xưa của cha mẹ để tạo sự đồng cảm với trẻ, khiến trẻ dễ mở lòng kể về câu chuyện tình tuổi ô mai của mình.
Khi đã tạo được sự tin tưởng nhất định, bạn cũng có thể gợi ý trẻ giới thiệu về "chàng/nàng" với cha mẹ. Điều này sẽ giúp bạn biết được đối tượng của con mình là ai, là người như thế nào để có lời khuyên hợp lý cho con. Thêm vào đó, khi đôi trẻ biết có sự quan sát của ba mẹ thì cũng sẽ hạn chế việc “làm bậy”.
Và điều quan trọng không kém, đó là giáo dục giới tính, nói chuyện về tình dục an toàn cho trẻ. Ở Việt Nam, sẽ là huyễn hoặc nếu muốn các bậc phụ huynh chấp nhận quan hệ tình dục ở tình yêu tuổi teen. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít những clip "người lớn" của học sinh dưới 18 tuổi được phát tán trên mạng, tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên không hề nhỏ đã cảnh báo về tình trạng quan hệ tình dục ở lứa tuổi này. Vì vậy, “vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng” hơn là để hươu chạy bừa cũng là một cách để cha mẹ bảo vệ con.
Thêm vào đó, khi giáo dục giới tính đầy đủ cho con cũng giúp con hiểu được rằng: Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tâm sinh lý lứa tuổi. Đặc biệt là ở các em gái, nếu mang thai ngoài ý muốn sẽ rất nguy hiểm vì cơ thể của bé gái dưới 18 tuổi chưa hoàn thiện để phù hợp với việc sinh đẻ, có thể dẫn đến những nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi. Tuổi vị thành niên cũng chưa đủ điều kiện để tự chịu trách nhiệm về bản thân, càng không đủ điều kiện để gánh vác trách nhiệm của một gia đình, làm mẹ, làm cha.