Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam: Bắt đầu hay còn dang dở?

Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam không còn xa lạ với cụm từ: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang bắt đầu, hay đã xây dựng được văn hóa cho doanh nghiệp của mình? Không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức rõ được vấn đề này.

Mơ hồ từ nhận thức

Vấn đề trên được phản ánh rõ từ thực tế. Khi bắt đầu cuộc họp nhằm triển khai văn hóa cho doanh nghiệp, không ít các vị lãnh đạo đã bắt đầu: “Thời gian tới, chúng ta sẽ xây dựng văn hóa doanh nghiệp” hay trong các báo cáo thành tích, trong nhiều điều tốt của doanh nghiệp không thể thiếu: “Công ty chúng tôi đã hoàn thành tốt việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp”, còn phụ trách phòng PR nọ thì yêu cầu đối tác truyền thông: “chị cứ thiết kế sao cho bắt mắt vào, bên em đợt này đang tích cực làm thương hiệu mà”.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không thể mơ hồ (ảnh minh họa)

 Các định nghĩa văn hóa doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam hiện nay, đều có những điểm chung nhất định. Chúng tôi xin đưa ra đây ý kiến của GS. TS Hoàng Vinh: Văn hóa doanh nghiệp bao gồm 5 phân tố: 1. Phân tố giá trị: xuất phát từ nhu cầu của các thành viên, người lãnh đạo cần lựa chọn một định hướng giá trị phù hợp, mà mọi người đều ao ước và mong đạt được. 2. Phân tố chuẩn mực: hướng dẫn cách hành xử để mọi người phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu mà tổ chức đặt ra. 3. Mặt biểu hiện của tổ chức: sử dụng hệ thống các biểu tượng, như: Lô-gô, thương hiệu, trang phục, các nghi thức trong giao tiếp,... .4. Xây dựng khí quyển tinh thần trong tổ chức doanh nghiệp. 5. Xây dựng phong cách quản lý: tinh thần dân chủ, không độc đoán, dám làm dám chịu.

Như vậy, văn hoá doanh nghiệp có thể triển khai rõ nét hơn, là toàn bộ các giá trị tinh thần mà doanh nghiệp tạo ra trong quá trình thành lập và đi vào hoạt động. Văn hoá doanh nghiệp gắn liền với nhưng biểu hiện về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, và toàn bộ hành vi ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp, cũng như doanh nghiệp trong cộng đồng. Xây dựng văn hoá của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc tạo dấu ấn trong cộng đồng, và mục tiêu cuối cùng là nhằm gây dựng niềm tin về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp với khách hàng và công chúng.

Vì vậy, không thể quy văn hóa doanh nghiệp về một công việc cụ thể, có thể tùy tiện thay đổi như “làm thương hiệu”, hay một giai đoạn nào đó để có thể nói “đã hoàn thành” được.

Nói thì rất rõ, nhưng để thấm nhuần và triển khai thì các doanh nghiệp Việt Nam còn có khoảng cách khá xa với bản chất đúng của văn hóa doanh nghiệp.

Đến những “nhầm lẫn” trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Áp đặt, thiếu sự đồng thuận: Nếu coi văn hóa doanh nhân là hình thái cá nhân, thì văn hóa doanh nghiệp được coi là hình thái cộng đồng. Xét trong tổng thể, văn hóa doanh nhân lại được hình thành trong môi trường văn hóa doanh nghiệp phát triển hiệu quả. Vì thế, vai trò của của doanh nhân đứng đầu doanh nghiệp là rất quan trọng.

Cần có sự đồng thuận hơn là áp đặt (ảnh minh họa)

Cũng chính lý do này đã khiến Lãnh đạo và Ban điều hành rơi vào tình trạng áp đặt trong triển khai văn hóa doanh nghiệp, họ cho rằng văn hóa doanh nghiệp giống như quyết định một hướng chiến lược kinh doanh, mà bỏ qua điều quan trọng là văn hóa doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng giá trị và niềm tin mạnh mẽ. Ví dụ: Nhân viên cần được giáo dục nhận thức rằng, việc đeo thẻ nhân viên, mặc đồng phục là thể hiện sự tự hào, là khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp, chứ không đơn thuần là để quảng cáo. Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp rất cần được sự đồng thuận của các cấp thấp hơn, cũng như nhân viên trong toàn công ty.

Sự chung chung thiếu cụ thể: Văn hóa doanh nghiệp không phải chỉ là sự nhắc nhở chung của lãnh đạo như: mọi người phải ăn mặc lịch sự khi đến công ty, cẩn thận trong giao dịch với khách hàng… Cũng chính sự đánh đồng chung chung, mà một số doanh nghiệp khi triển khai nhận dạng thương hiệu, không ít nhân viên đã hiểu nhầm văn hóa doanh nghiệp là những chuẩn mực bề ngoài đó, và họ thực hiện chúng như sự đối phó với cấp trên và khách hàng.

Để thực hiện được văn hóa DN, thì từ quan điểm trong kinh doanh với đối tác khách hàng, chế độ đãi ngộ với nhân viên cho đến cách hành xử trong nội bộ hay với cộng đồng, cũng cần được quy chuẩn chặt chẽ từ những việc nhỏ nhất. Ví dụ: Trang phục, cách trả lời điện thoại, cách cúi chào, động tác bắt tay, cách thức tranh luận…

Bắt trước dập khuôn: Hiện nay, không ít các doanh nghiệp trong nước đã thuê các công ty truyền thông xây dựng và quy chuẩn văn hóa doanh nghiệp theo mô hình một số doanh nghiệp nước ngoài, mà không có sự học hỏi sáng tạo, dẫn đến mâu thuẫn với thói quen, văn hóa người Việt, khó triển khai hoặc triển khai không thống nhất.  

Sự chuẩn hóa trong nhận diện thương hiêu: mầu sắc, trang phục... (ảnh minh họa)

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp không chỉ là yếu tố cấu thành quan trọng,  mà còn là yếu tố giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi của môi trường bên ngoài. Những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin... đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để nhận thức rõ và triển khai văn hóa doanh nghiệp một cách đúng hướng, hiệu quả, mỗi doanh nghiệp cần có quan điểm rõ ràng về văn hóa của doanh nghiệp mình, quan điểm này cần phải được xây dựng bằng các tiêu chí cụ thể và chuẩn hóa từ chính tình hình thực tế của doanh nghiệp mình.

Một điều các doanh nghiệp Việt cũng phải hết sức lưu ý là: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải bắt đầu ở giai đoạn nào, hay phụ thuộc điều kiện gì, mà văn hóa doanh nghiệp đã có những biểu hiện ngay từ khi doanh nghiệp đó được thành lập. Nó không hề phụ thuộc công ty lớn, nhỏ, nhiều hay ít vốn. Sự khác nhau về văn hóa ở mỗi doanh nghiệp là: Doanh nghiệp nào sớm nhận thức đúng và quy chuẩn những biểu hiện thành những giá trị chuẩn mực, có được sự nhất trí, đồng thuận và tự giác thực hiện của toàn bộ thành viên trong  trong công ty, thì đó là văn hóa doanh nghiệp đúng nghĩa. Doanh nghiệp nào thực hiện được điều này, sẽ tạo ra nội lực dồi dào từ sức mạnh tập thể và chăc chắn sẽ kinh doanh thành công.


  • 05/12/2011 03:53
  • Thu Vân
  • 3454


Gửi nhận xét