Một ngày cùng công nhân truyền tải điện

Ngỡ tưởng công việc truyền tải điện (TTĐ) là đơn giản, nhàn hạ, nhưng khi “ba cùng”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những người làm công tác TTĐ mới thực sự thấu hiểu được sự vất vả của họ.

Những người làm công tác TTĐ vào nhà dân sửa chữa các thiết bị điện hỏng cho người dân

Chúng tôi có chuyến thực tế “ba cùng” với Đội TTĐ Đầm Hà - TTĐ Đông Bắc 1 vào một ngày cận kề Tết Mậu Tuất 2018. Sau bữa ăn trưa vội vàng cùng các công nhân tại thị trấn huyện Đầm Hà, chúng tôi di chuyển bằng xe ô tô đến huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Điểm đến của đoàn là bản Quế Sơn, xã Đông Ngũ, nơi có tuyến đường điện 220 kV chạy qua.

Để đến được chân cột đường dây 220 kV trên đỉnh núi cao, chúng tôi phải leo dốc gần 1 tiếng đồng hồ. Lần đầu tiên được tham gia chuyến thực tế với những người công nhân TTĐ nên cánh nhà báo có vẻ rất háo hức, đặc biệt là những nhà báo nữ. Tuy nhiên, khi đến được đích thì một số thành viên trong đoàn có dấu hiệu “hụt hơi”. 

Trong khi cánh nhà báo đang loay hoay tìm chỗ dừng chân để lấy lại thể lực thì những người công nhân đã đứng ở lưng chừng trời, kiểm tra các thiết bị TTĐ.

Theo ghi nhận của PV, phải mất gần 20 phút các công nhân mới leo lên đến các vị trí đặt các thiết bị. Xoay một vòng giữa lưng chừng trời, các công nhân bước xuống nhưng không có biểu hiện mệt mỏi nào.

Trả lời câu hỏi của PV, mỗi lần đứng ở lưng chừng trời thế có sợ không, có nguy hiểm không, anh Nguyễn Đức Hải cười và nói: Sợ chứ, những lần đầu còn không dám trèo, nhưng yêu nghề, làm lâu thành quen, hơn nữa có các thiết bị bảo hộ lao động nên mỗi khi thực thi nhiệm vụ chúng tôi rất an tâm. 

Không một phút giải lao, các công nhân liền tiến về các hộ dân sinh sống gần hành lang lưới điện để thăm hỏi sức khỏe, kiểm tra, sửa chữa những thiết bị điện hư hỏng giúp người dân.

Theo quan sát của PV, các hộ dân sinh sống tại bản Quế Sơn nói riêng và xã Đông Ngũ nói chung đều sử dụng nhiều thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh… thậm chí là cả máy phay thân chuối để làm thức ăn cho gia súc.

Bà Chìu Tài Múi (dân tộc Dao), đội Nà Quan, xã Đông Ngũ khoe: Nhà tôi cái gì cũng dùng điện, từ nồi cơm cho đến các máy móc phục vụ cuộc sống. Các anh công nhân thường xuyên qua lại, hỏi thăm sức khỏe và sửa chữa giúp gia đình chúng tôi những thiết bị điện hỏng, hoặc lắp đặt giúp các thiết bị điện mới. Mỗi lần các anh đến đều có quà cho gia đình chúng tôi. Lâu lâu không thấy các anh đến là bọn trẻ con lại nhắc.

Bên cạnh giúp người dân sửa chữa các thiết bị điện hư hỏng, lắp đặt các thiết bị điện mới, những người làm công tác TTĐ còn có “nhiệm vụ” giúp các em trong độ tuổi học hành.

Cháu Chìu Tiến Nhiệm, học sinh lớp 3, con của anh Chíu A Tài, đội Nà Quan cho biết, cháu thường xuyên được các chú đến dạy học cho. Mỗi lần được các chú dạy học, cháu hiểu bài kỹ hơn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những người làm công tác TTĐ không phải chỉ duy nhất làm công việc chuyên môn mà còn “kiêm nhiệm” nhiều công việc khác như: Công tác dân vận; giúp dân; phối hợp với dân để bảo vệ đường dây…

Sau gần một ngày theo chân những người làm công tác TTĐ, chúng tôi đã thấm mệt. Thế nhưng, khi trở lại đơn vị, các anh vẫn không quên rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập xà đơn, xà kép, cử tạ, đánh cầu lông…

Ông Lê Trọng Nam - Đội trưởng Đội TTĐ Đầm Hà cho biết, Đội thành lập vào ngày 1/1/2016, có 14 thành viên được phân công quản lý 3 tuyến đường dây, trong đó có 2 tuyến đường dây 220 kV và 1 tuyến đường dây 500 kV. Tuyến đường dây 220 kV có chiều dài 90,2 km với 228 cột, tuyến đường dây 500 kV dài 3,6 km với 8 cột. Hệ thống đường dây trải dài trên 16 xã của 05 huyện. 

“Do tuyến dây trải dài trên địa bàn rộng, nên công tác bảo vệ, bảo đảm công tác vận hành TTĐ là rất vất vả, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết” - ông Nam cho nói.

Theo ông Nam, để bảo đảm công tác TTĐ an toàn, thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Đội đã có kế hoạch cách đây hơn 1 tháng. Theo kế hoạch, 100% con số của Đội đều phải trực trong dịp Tết này.

Hầu hết các cán bộ công nhân thuộc Đội TTĐ Đầm Hà đều ở xa, người gần cũng khoảng 400 km, người xa khoảng 600 km. Mặc dù phải xa gia đình, vợ, con, người thân trong dịp Tết, song cán bộ, công nhân nào cũng nhận thức được trọng trách của những người làm công tác TTĐ nên sẵn sàng ở lại để trực Tết bảo đảm công tác TTĐ an toàn, hiệu quả.

Chia tay các anh với lời ước nguyện các anh có cái Tết thật đầm ấm, vui vẻ hạnh phúc và luôn “chân cứng đá mềm” để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của người TTĐ.


  • 12/02/2018 04:49
  • Theo thanhtra.com.vn
  • 6692