Người dân vùng biên yên tâm xây dựng cuộc sống mới

Cung đường tỉnh lộ 586 từ ngã ba Tân Long - Quốc lộ 9 lên các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nhộn nhịp hẳn lên khi những chiếc xe tải ùn ùn chở sắn hướng về Nhà máy Chế biến Tinh bột sắn Hướng Hóa, dòng xe máy nối đuôi nhau chở nặng hoa quả mua từ vùng cây chuyên canh đưa về bán ở chợ Tân Long, chợ thị trấn Khe Sanh.

Trong tiết trời mùa đông giá lạnh trên dãy Trường Sơn Đông, chúng tôi đã đến thăm các xã vùng Lìa nằm tiếp giáp với biên giới Việt - Lào, tìm hiểu về sự đổi thay trong cuộc sống của bà con khi lưới điện đã “phủ” đến các bản làng xa xôi nhất. Chúng tôi đã đến xã A Túc, Trung tâm của vùng Lìa. 

Mở đầu câu chuyện, ông Hồ Cu Đa - Phó Chủ tịch xã A Túc cho biết, vùng Lìa có 8 xã, gồm các xã: Hướng Lộc, Thuận, Thanh, A Xing, A Túc, Xy, A Dơi, Pa Tầng, chủ yếu nằm dọc theo trục đường tỉnh lộ 586, trong đó có 5 xã tiếp giáp với nước bạn Lào. Vùng Lìa có 5.048 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 52%. Trước đây chưa có điện, bà con chủ yếu tự canh tác cây lúa nước, lúa đồi, cuộc sống rất khó khăn. Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng Lìa nói chung và xã A Túc nói riêng đã có nhiều chuyển biến. 

Có điện, bà con chủ động bơm nước từ giếng lên để tưới cây hồ tiêu, cây rau màu trồng trong diện tích đất vườn. Ngoài cây lúa nước, lúa rẫy, cây sắn KM 94 là loại cây có giá trị kinh tế cao được trồng trên diện tích khá lớn với gần 360 ha, nguồn nguyên liệu đáng kể cho Nhà máy Chế biến Tinh bột sắn Hướng Hóa. Tiếp theo là cây ngô, cây chuối, cây công nghiệp dài ngày và nhiều loại hoa màu khác. Có điện, nhiều hộ gia đình mở mang kinh doanh, làm các nghề chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ... Hiện nay, xã A Túc có 7 hộ xay xát, 4 cơ sở gò hàn, 2 hộ làm nghề mộc, 1 hộ mở lò bánh mì... 

Ngành nghề cơ khí, gò hàn đã đáp ứng được nhu cầu tại chỗ và tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa

Cũng theo lãnh đạo xã A Túc, từ khi có nguồn điện ổn định, người dân trong xã đã nắm bắt được những tiến bộ KHCN, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thâm canh tăng năng suất trong trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, chương trình an sinh xã hội cũng được địa phương quan tâm chăm lo, đi đôi với nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần.

Đến gia đình ông Ăm Êm ở thôn Húc, xã A Túc, ông cho biết, gia đình ông mua máy xay sát vào năm 2012 với số tiền 31 triệu đồng bằng nguồn vốn vay của Nhà nước. Cứ vào vụ thu hoạch, mỗi ngày ông xay khoảng 10 bao lúa, tiền công xay mỗi bao là 15 nghìn đồng. Nếu không lấy tiền công xay thì quy ra gạo, cứ xay 1 bao lúa to ông được trả 7 lon gạo, 1 bao nhỏ thì được 5 lon.

Gia đình ông Hồ Văn Thắng mở lò làm bánh mì, điều kiện kinh doanh khá thuận lợi vì nhà ông ở ngay trung tâm xã và gần trường học. Theo ông Thắng, cuộc sống người dân nơi đây ngày càng khá lên, nhiều hộ kinh doanh buôn bán dọc đường cũng có doanh thu khá, lò bánh mì nhà ông mở ra bán rất đắt hàng, tháng nào cũng trả tiền điện trên 600 nghìn đồng.

Dọc đường trung tâm xã A Dơi, nhà cửa mọc lên san sát, nhiều hộ gia đình mở cửa hàng tạp hóa, dịch vụ sửa chữa xe máy, cơ khí... Trao đổi về hướng phát triển cây công nghiệp ở xã A Dơi, Phó Chủ tịch xã A Dơi Hoàng Khánh Hoà cho biết, năm 2017, kinh tế của địa phương phát triển với diện tích cây sắn là 633 ha, nhiều nhất so với lúa, cao su hay cà phê. Đây là cây trồng mang lại kinh tế cao cho người dân, từ đó kéo theo nhiều ngành nghề khác cũng phát triển.

Theo kỹ sư Nguyễn Thắng - Giám đốc Điện lực Khe Sanh, Công ty Điện lực Quảng Trị: Đến nay các xã vùng Lìa đã được phủ kín điện với 80 km đường dây 22 kV, 70 km đường dây hạ áp, gần 50 TBA cung cấp điện cho gần 4.500 khách hàng và 100% số hộ dân vùng Lìa đã có điện lưới quốc gia. 

Chúng tôi dừng chân tại bản 7, xã Thuận, khi công nhân Điện lực Khe Sanh đang sửa chữa tuyến đường dây hạ áp. Anh Trần Văn Tuấn, Đội trưởng Đội quản lý điện A Túc đang chỉ huy nhóm thi công, cho biết: Hàng năm, theo chương trình tháng “Tri ân khách hàng” của Công ty Điện lực Quảng Trị, đoàn viên thanh niên trong đơn vị đã đến các hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, sửa chữa đường dây sau công tơ, thay thế bóng đèn miễn phí cho bà con. Ngành Điện rất quan tâm tới đời sống bà con thôn bản thông qua việc không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ điện, giải quyết kịp thời đăng ký cấp điện mới cũng như xử lý nhanh những sự cố điện trên địa bàn.

Tạm biệt vùng Lìa, chúng tôi trở về lại Khe Sanh, những đồi sắn, vạt chuối xanh mướt hai bên tỉnh lộ 586 cứ lùi xa dần. Trong ký ức tôi chợt hiện ra những hình ảnh với nụ cười, niềm vui tay nắm chặt tay của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều cách đây 17 năm trong ngày lễ đón mừng đóng điện công trình điện A Dơi - Pa Tầng. Đến hôm nay, đời sống bà con vùng Lìa đã có nhiều khởi sắc, trong ánh mắt của người dân nơi đây vẫn còn hiện rõ niềm vui biết ơn Đảng, Chính phủ đã đem đến cho đồng bào vùng bản xa xôi có cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn kể từ khi có điện.


  • 19/04/2019 03:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14529