Những "cây sáng kiến" của PC Quảng Ngãi

Xuất phát từ yêu cầu công việc cùng với niềm đam mê sáng tạo, nhiều CBCNV PC Quảng Ngãi đã ngẫu nhiên trở thành những "cây sáng kiến", nỗ lực nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị.

Những phần mềm hữu hiệu

Là công nhân của Đội quản lý đường dây và trạm Điện lực Sơn Tịnh, anh Đỗ Huy Hoàng (32 tuổi) thường xuyên làm việc ngoài hiện trường. Trong quá trình công tác, anh Hoàng nhận thấy những hạn chế khi các công nhân đi đo điện trở tiếp địa định kỳ tại các cột đường dây trung áp. Sau khi đo xong, công nhân viết các số liệu thu thập vào tờ giấy. Tuy nhiên, những tờ giấy viết tay đôi khi bị nhàu nát, nhòe chữ do thấm nước hoặc ướt mồ hôi, có lúc bị thất lạc.

Anh Hoàng đã tự mày mò, học hỏi, trong 3 tháng hoàn thành một ứng dụng (app), theo đó, công nhân đo tiếp địa ngoài hiện trường, mang theo điện thoại chụp hình mặt máy đo rồi nhập số liệu hiển thị vào app. Số liệu được nhập chính xác với hình ảnh được lưu lại trên app và đính kèm từng vị trí cột đã đo. Tháng 12/2021, app được đưa vào sử dụng tại Điện lực Sơn Tịnh. Đến quý II/2022, sáng kiến của anh Hoàng được Tổng công ty Điện lực miền Trung công nhận. Hiện nay, app đã được áp dụng tại các Điện lực Mộ Đức, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế.

Công nhân Đỗ Huy Hoàng đã có nhiều sáng kiến giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc.

Cũng xuất phát từ thực tế, công nhân điện phải kiểm tra định kỳ các thiết bị RC/LBS ngoài hiện trường thủ công, anh Hoàng đã viết app kiểm tra định kỳ RC/LBS. App có đính kèm tọa độ và quét mã QR tại tủ điều khiển, giúp cập nhật thông tin, số liệu chính xác, nhanh chóng. Sau khi số liệu được cập nhật, app gửi tin nhắn về lãnh đạo phòng ban xác nhận ký số phiếu trực tiếp trên app, giúp kiểm soát công việc chặt chẽ. Đây là giải pháp mới được đưa vào sử dụng trong công tác kiểm tra hiện trường RC/LBS trên lưới điện PC Quảng Ngãi, thay thế cho phiếu kiểm tra bằng giấy.

Đến nay, phần mềm kiểm tra định kỳ RC/LBS của anh Đỗ Huy Hoàng là sáng kiến, giải pháp duy nhất về lĩnh vực này trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những sáng kiến, giải pháp của anh Hoàng không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng công việc, mà còn đóng góp tích cực vào chuyển đổi số của ngành Điện. Từ năm 2021 đến nay, anh Hoàng đã tham gia thực hiện 4 sáng kiến, trong đó anh là tác giả của 2 sáng kiến viết phần mềm.

Sáng kiến nâng cao hiệu quả trong quản lý, vận hành trạm biến áp 110kV

Tích cực hưởng ứng và phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, anh Nguyễn Văn Kiều (43 tuổi) - Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động Nam Quảng Ngãi, Đội QLVH LĐCT và đồng nghiệp đã đưa vào áp dụng 02 sáng kiến nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành trạm biến áp 110kV được Tổng công ty Điện lực miền Trung công nhận.

Anh Kiều và đồng nghiệp đã triển khai sáng kiến “Sử dụng bộ điều nhiệt điều khiển tự động cấp nguồn 220VAC cho điện trở sấy tại tủ điều khiển tại chỗ bộ OLTC MBA tại các TBA 110kV”. Trước đây, bộ điện trở sấy hoạt động theo phương pháp thủ công, nhân viên vận hành phải bật, tắt theo tình hình thời tiết và nhiệt độ môi trường. Sau khi áp dụng sáng kiến, bộ điện trở vận hành theo chế độ tự động tương ứng với nhiệt độ đã cài đặt trước.

Sáng kiến của anh Nguyễn Văn Kiều đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành TBA 110kV

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng bộ lọc dầu online (trực tuyến) hoạt động khi chuyển đổi nấc phân áp MBA nhưng không được giám sát, kiểm tra từ xa về tình trạng hoạt động của máy lọc dầu, anh Kiều và đồng nghiệp đã triển khai sáng kiến “Lắp đặt, bổ sung hoàn thiện mạch tín hiệu Scada nhằm giám sát tình trạng vận hành máy lọc dầu online bộ OLTC của MBA 110kV tại TBA 110kV Mộ Đức”. Giải pháp này giúp giám sát tình trạng vận hành của máy lọc dầu qua tín hiệu Scada hiển thị trên màn hình HMI, phát hiện kịp thời các hư hỏng bất thường trong vận hành của máy lọc dầu, nhất là đáp ứng yêu cầu cần thiết đối với TBA không người trực.

Anh Kiều cho hay: “Các sáng kiến đều xuất phát từ công tác quản lý vận hành thực tế tại các TBA 110kV chuyển qua tự động hóa không người trực, các thiết bị tại trạm đều được tự động hóa và giám sát từ xa qua tín hiệu Scada về trung tâm điều khiển. Sau khi áp dụng sáng kiến giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành TBA 110kV, đảm bảo cung cấp điện, giảm chi phí, tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường”.

 


  • 17/08/2023 05:19
  • Bảo Hòa
  • 4091