Điểm giao dịch trực tuyến của EVNHCMC
|
Giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
TPHCM đã và đang tích cực triển khai đề án Xây dựng TPHCM thành TP thông minh giai đoạn 2017-2020. Ủng hộ quyết định mang tính đột phá của lãnh đạo TPHCM trong việc nâng cao năng lực quản trị đô thị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân TP, về phía ngành Điện, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết đang gặp thuận lợi nhiều bởi trước đó ngành Điện TP đã tích cực triển khai các chương trình phát triển lưới điện thông minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam.
“Về cơ bản, lộ trình EVNHCMC đang triển khai hoàn toàn phù hợp và sẵn sàng tích hợp với các cấu hình cơ bản của đề án đô thị thông minh của TP. Do đó, việc đề án được ban hành là động lực lớn để chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án phát triển lưới điện thông minh của ngành và kỳ vọng sẽ góp phần vào thành công chung của đề án Đô thị thông minh của TPHCM”, ông Bảo nói.
Phân tích cụ thể, ông Bảo cho biết, từ năm 2016, EVNHCMC đã hoàn tất việc xây dựng Hệ thống điều hành lưới điện hiện đại (SCADA/DMS) và năm 2017 cũng đã thành lập Trung tâm Điều khiển lưới điện từ xa với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện, điều khiển tự động trên toàn lưới điện của TP. Đã hoàn tất việc chuyển sang điều hành từ xa, không người trực tại 42/50 trạm trung gian 110 kV của TP. Số còn lại sẽ hoàn tất trong năm 2018, nhằm đảm bảo tất cả trạm biến áp 110 kV trên toàn TP đều được điều khiển từ xa qua trung tâm điều hành.
Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng đang thực hiện kế hoạch tự động hóa lưới điện phân phối 220 kV; đẩy mạnh việc ứng dụng thi công trên đường dây đang mang điện (live-line working) để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện. Đơn vị cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công và đã đưa vào sử dụng 21 bộ vệ sinh cách điện lưới 110 kV, 220 kV bằng vòi nước áp lực cao (rửa sứ online) để bảo trì lưới điện mà không phải cắt điện, góp phần giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
Đặc biệt, EVNHCMC đã mạnh dạn thực hiện thí điểm mô hình Micro Grid (lưới điện thông minh khu vực) tại 4 khu vực: Khu Công nghệ cao quận 9, khu văn phòng thương mại dọc các trục đường chính ở quận 1, Khu dân cư Miếu Nổi quận Phú Nhuận và Khu dân cư quận 7, làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình này trong năm 2018 và các năm tới.
Đa dạng hình thức thanh toán tiền điện
Đáng chú ý, hiện nay ngành Điện TP đã thực hiện 19 loại hình giao dịch với khách hàng qua 4 hình thức giao dịch trực tuyến qua Tổng đài chăm sóc khách hàng 1900545454, qua Email: cskh@hcmpc.com.vn, qua Website: http://cskh.hcmpc.vn/ và qua ứng dụng CSKH EVNHCMC, Zalo trên thiết bị di động.
Trung tâm Chăm sóc khách hàng của tổng công ty cũng đi vào hoạt động từ năm 2014, đã triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng như triển khai hộp thư 8055, 8655 hỗ trợ khách hàng tra cứu thông tin tiền điện, nợ tiền điện, nguyên nhân mất điện và lịch ghi điện. Cung cấp ứng dụng theo dõi biểu đồ phụ tải; theo đó, khách hàng lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, có thể theo dõi phụ tải và tình hình sử dụng điện trực tiếp trên website cskh.hcmpc.vn.
Hiện nay ngành Điện đã đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện, phục vụ khách hàng thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi. EVNHCMC đã hợp tác với 22 ngân hàng và 9 đối tác để khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại hơn 5.712 điểm thu ngoài hệ thống điện lực, cửa hàng tiện lợi, bưu cục, các siêu thị Saigon Co.op, cửa hàng Viettel, cửa hàng Viễn Thông A và 2.202 điểm đặt máy ATM, qua Internet/Mobile/SMS Banking hoặc trích nợ tự động để thanh toán tiền điện hàng tháng; qua website cskh.hcmpc.vn.
"Chúng tôi đang triển khai lắp đặt điện kế điện tử có chức năng thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, từ năm 2017 đến 2022, có chức năng thu thập dữ liệu đo đếm từ xa và tự động ghi chỉ số điện hàng tháng rồi gởi thông tin tiền điện cho khách hàng qua tin nhắn SMS và email”, ông Bảo cho biết thêm.
Sau tất cả các nỗ lực, ngành điện TPHCM cũng “gặt hái” được sự ghi nhận, đánh giá tích cực từ người dân thông qua quá trình triển khai các giải pháp công nghệ mới, độ tin cậy lưới điện được nâng cao với chỉ số SAIFI (số lần mất điện trung bình 1 khách hàng) của năm 2017 là 3,02 lần, tốt hơn 40,81% so với năm 2016 và chỉ số SAIDI (số thời gian mất điện trung bình của 1 khách hàng) là 231,31 phút, tốt hơn 54,80% so với năm 2016. Chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện đạt 78,69/100 điểm, tăng 32 bậc, đứng vị trí 64/190 quốc gia (năm thứ 4 liên tiếp tăng bậc và cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay). Tỷ lệ thu qua ngân hàng và đối tác trung gian đạt 97,98% về số khách hàng. Tỷ lệ khách hàng thanh toán qua các hình thức điện tử chiếm 78,89%.
Năm 2017, đơn vị tư vấn độc lập thực hiện khảo sát với mức độ hài lòng chung đối với EVNHCMC đạt 8,26/10 điểm, tăng 0,1 điểm so với năm 2016.