Đó chính là công việc mà nhà máy nằm gần thành phố Bordeaux, Pháp đang thực hiện. Cứ mỗi 2 phút, dây chuyền của nhà máy lại cắt xong 1 tấm quang điện mặt trời đã qua sử dụng. Với các lưỡi dao được nung nóng đến 300oC, dây chuyền sẽ cắt và tách toàn bộ các lớp trong mỗi tấm quang điện, gồm khung nhôm, tấm kính và phần tế bào quang điện. Trong số đó, các tấm kính là bộ phận có thể tái chế dễ dàng nhất, làm nguyên vật liệu cho các sản phẩm khác.
"Kính chiếm tới 70% khối lượng của tấm quang điện mặt trời và cũng là vật liệu có thể tái sử dụng hoặc tái chế. Kính tái chế của chúng tôi đã đạt được chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn để một số nhà sản xuất đưa vào dây chuyền chế tạo cửa sổ hoặc chai nước hoa", ông Frédéric Seguin, Giám đốc chi nhánh công ty Envie 2E, cho biết.
Công ty này cũng cho biết họ đã đạt tới tỷ lệ tái chế lên tới 95% đối với kính. Những linh kiện khác của tấm quang điện cũng được đưa tới các đơn vị chuyên biệt để xử lý, thu hồi các thành phần kim loại như bạc, đồng và silic vốn có giá trị cao.
Không chỉ tái chế, nhà máy này còn phân loại các tấm pin vẫn còn hoạt động tương đối tốt để tái sử dụng, mang lại một lựa chọn giá thành rẻ cho những người tiêu dùng muốn lắp đặt tấm quang điện mặt trời hộ gia đình.
"Chẳng hạn tấm quang điện cũ này có công suất ban đầu là 220 Watt, và bây giờ vẫn đạt đến 215 Watt, tức là hao mòn rất ít, không cần phải cắt tách. Chúng tôi sẽ cấp giấy kiểm định cho chúng sau đó bán lại với giá chiết khấu cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp để tái sử dụng", ông Frédéric Seguin cho hay.
Trong bối cảnh Pháp đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, lượng tấm quang điện mặt trời phế liệu cũng sẽ tăng cao trong những năm tới, dự báo từ mức chưa đến 4.000 tấn hiện nay lên hơn 300.000 tấn vào năm 2030. Điều đó cũng có nghĩa là hoạt động tái chế loại thiết bị này cũng sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng, vừa có lợi cho môi trường, vừa đem lại lợi ích kinh tế với các doanh nghiệp.
Link gốc