Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). |
Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong tương lai cần đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, và lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực.
PV: Thưa ông, thời gian qua dù chúng ta đã phát triển năng lượng tái tạo, nhưng các dự án chưa đem lại nhiều hiệu quả như mong muốn. Vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để triển khai hiệu quả các dự án này?
Ông Hoàng Tiến Dũng: Nhìn nhận một cách khách quan, trong 2 năm qua năng lượng tái tạo đã đạt được những thành tích. Cách đây 2 năm, chúng ta hầu như không có điện mặt trời, còn bây giờ đã đạt được gần 5.000MW từ hệ thống này. Hay như điện gió, từ con số 0 bây giờ cũng đã có gần 500MW. Đó là thành tích lớn, vượt qua mong ước trong Quy hoạch điện VII đã được phê duyệt.
Để làm được việc này, không phải là các tập đoàn nhà nước mà chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân. Điều đó có nghĩa việc xã hội hóa đã đem lại kết quả và thành công. Có một số tồn tại như phát triển quá nhanh trong khi công suất đường dây không đáp ứng đã gây quá tải lưới điện, không giải tỏa được công suất. Các công trình không phải bị ảnh hưởng hoàn toàn mà chỉ bị ảnh hưởng ở một số giờ trong ngày, công suất những lúc bị ảnh hưởng tính ra sản lượng bị thiệt hại khoảng 5-7%. Do đó giải pháp để tháo gỡ về mặt ngắn hạn là phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào lưới điện truyền tải.
PV: Mục tiêu được xác định là hướng tới an ninh năng lượng sạch để phát triển bền vững. Nhưng để làm được chúng ta cần có bước đi cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Tiến Dũng: An ninh năng lượng có nhiều tiêu chí như đa dạng hóa các loại hình nguồn cung cấp, trong đó có cả than khí, thủy điện, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) thậm chí cả nhập khẩu. Rồi giá thành phải ở mức chấp nhận được và cách tiếp cận với các nguồn cũng thuận lợi. Ví dụ như than, khí đốt phải đảm bảo những nguồn cung cấp tin cậy và tỷ lệ cũng phải phù hợp. Chúng ta phát triển năng lượng tái tạo xanh, sạch nhưng cũng không được quá mức an toàn của hệ thống. Tỷ lệ của các loại nguồn trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam cũng phải hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn của hệ thống.
PV: Thưa ông, cần ưu tiên để phát triển năng lượng tái tạo. Vậy thì cần có các cơ chế, chính sách gì để tháo gỡ?
Ông Hoàng Tiến Dũng: Thời gian qua để tạo nên “cú hích” ban đầu, Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích điện mặt trời, được bán cố định với mức giá hấp dẫn là 9,35cent/1 KW/giờ, vì vậy huy động được rất nhiều các nguồn lực trong xã hội tham gia và đầu tư điện mặt trời. Tương tự như thế, cơ chế chính sách điện gió theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ cũng là cơ chế được đánh giá là hấp dẫn nên rất nhiều người tham gia nghiên cứu, đánh giá, khảo sát dự án để phát triển điện gió trên địa bàn toàn quốc. Qua đó cũng thấy rằng tiềm năng của chúng ta là rất cao, năng lực của các doanh nghiệp tư nhân ngoài xã hội đầu tư vào điện gió cũng rất lớn. "Cú hích" ban đầu như vậy rất là tốt để tạo ra động lực, qua quá trình làm việc các nhà đầu tư cũng có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời. Còn hiện nay Nhà nước đã chuyển dần sang cơ chế đấu thầu, tức là trong tương lai khi có khả năng phát triển năng lượng mặt trời, hoặc năng lượng gió tại một khu vực nào đó khi đánh giá được khả năng truyền tải điện khu vực có tiềm năng thì sẽ cho đấu giá để các nhà đầu tư phát triển các nguồn năng lượng này.
Thực tế hiện nay chúng ta đang nhờ các đơn vị tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nghiên cứu. Họ có rất nhiều kinh nghiệm tổ chức đấu giá, đấu thầu ở nhiều nước trên thế giới, và chúng ta sử dụng kết quả nghiên cứu đó dựa trên các điều kiện tại Việt Nam để đưa ra các cơ chế đấu thầu phù hợp. Vấn đề này hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Tôi cho là, chỉ qua đấu giá mới có thể lựa chọn được nhà đầu tư làm được giá điện với mức thấp trong số những người tham gia đấu giá và người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá thấp nhất.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!