Đổi mới công tác tuyên truyền vận động chiến dịch Giờ trái đất 2020

PV tietkiemnangluong.vn đã phỏng vấn ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) về vai trò và những giải pháp triển khai của Bộ Công Thương trong chiến dịch Giờ trái đất 2020.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Ảnh: Ng.Tuấn.

PV: Xin ông cho biết vai trò của Bộ Công Thương trong chiến dịch Giờ trái đất 2020?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Năm 2020, với mục tiêu xã hội hóa các hoạt động về truyền thông trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, đổi mới công tác tuyên truyền vận động hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất theo hướng sáng tạo, thiết thực nhằm mang lại hiệu quả tuyên truyền cao, Bộ Công Thương đã chuyển giao cho Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam là đầu mối thực hiện các hoạt động của chiến dịch Giờ trái đất 2020. 

Bộ Công Thương cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò là cơ quan bảo trợ chiến dịch. Với kinh nghiệm triển khai Giờ trái đất trong nhiều năm trước, Bộ Công Thương đã phối hợp với WWF tại Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động để hưởng ứng sự kiện cũng như phát động các tổ chức, doanh nghiệp, mọi người dân trên toàn quốc tham gia chiến dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trong văn bản số 1219/BCT-TKNL ngày 24/2/2020 về việc phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2020 tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã lưu ý các địa phương và doanh nghiệp lựa chọn hình thức hưởng ứng chiến dịch phù hợp với điều kiện của các đơn vị và địa phương mình, trên cơ sở tăng cường công tác truyền thông trực tuyến thông qua truyền hình, đài phát thanh, Fanpage Giờ trái đất...

PV: Thông điệp Giờ trái đất 2020 kêu gọi mọi người thay đổi hành vi tiêu dùng vì một hệ sinh thái khỏe mạnh. Với thông điệp này, Bộ Công Thương đã triển khai những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Với vai trò đầu mối của nhà nước trong việc tổ chức các chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (giai đoạn 2016-2020), Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề tiêu dùng bền vững để tiến đến một nền kinh tế xanh, giảm thiểu việc sử dụng lãng phí tài nguyên và giảm thiểu chất thải ra môi trường. 

Trong chiến dịch Giờ trái đất năm nay, chủ đề tiêu dùng bền vững được Bộ Công Thương quan tâm truyền tải thông qua trang tin của Bộ, trang tin Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như Fanpage Giờ trái đất.

Poster Giờ trái đất 2020 với thông điệp "Hãy thay đổi hành vi tiêu dùng vì một hệ sinh thái khoẻ mạnh".

PV: Qua mỗi năm, thực tế sản lượng điện tiết kiệm sau một giờ tắt đèn hưởng ứng chiến dịch là không nhiều. Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để nhân lên sự hưởng ứng của cộng đồng sau sự kiện này? 

Ông Trịnh Quốc Vũ: Sản lượng điện tiết kiệm sau 1 giờ tắt đèn tuy chưa lớn nhưng chúng tôi luôn đánh giá cao sự hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân trong sự kiện này.

Hàng năm trước và sau chiến dịch Giờ trái đất, tại các địa phương, nhiều chương trình vận động doanh nghiệp, người dân tham gia sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả đều được Bộ Công Thương phối hợp với ngành Điện tổ chức. Nhiều doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ lớn tại các địa phương cũng đã chủ động tự nguyện cam kết hưởng ứng Giờ trái đất không chỉ riêng trong một giờ tắt đèn mà đã hưởng ứng trong cả tháng. Hành động này cho thấy nhiều doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc tiết kiệm năng lượng, hướng đến sản xuất sạch và bền vững. 

Tôi cho rằng, tác động từ mặt truyền thông để biểu dương những doanh nghiệp là việc làm cần thiết để nhân lên sự hưởng ứng của cộng đồng. Cũng như thông điệp của Giờ trái đất trong nhiều năm qua gửi đến cộng đồng là không chỉ dừng lại tiết kiệm điện trong một giờ, mà phải thường xuyên tiết kiệm điện trong suốt 365 ngày. 

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 27/03/2020 11:02
  • Ngọc Tuấn
  • 1974