Bài học kinh doanh từ những con búp bê

Khởi nghiệp kinh doanh ai cũng phải bắt đầu từ một ý tưởng. Nếu ý tưởng kinh doanh dựa trên việc đáp ứng một nhu cầu nào đó của cuộc sống thì công cuộc kinh doanh sẽ rất thuận lợi. Xin bắt đầu câu chuyện ý tưởng kinh doanh này từ một mặt hàng rất phổ thông: Búp bê.

Búp bê Barbie

Trong số những đồ chơi cho trẻ em, búp bê là thứ không thể thiếu. Vì thế, chúng cũng là mặt hàng rất hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh. Trong số những búp bê xuất hiện trên thị trường thì Barbie là búp bê đã trở thành huyền thoại. Lần đầu tiên ra mắt công chúng tại một hội chợ ở New York vào năm 1959, đến nay Barbie đã mê hoặc biết bao thế hệ trẻ em ở hầu hết các quốc gia mà nó đặt chân đến. Điểm tuyệt vời của Barbie chính là sự luôn gần gũi với trẻ em theo đúng như mơ ước của chúng. Nó có thể là một vận động viên trong bộ đồ thun ôm chặt lấy cơ thể, lại có thể là chính khách trong bộ đồ vét, một phi hành gia trong bộ quần áo ánh bạc và chiếc mũ tròn để bay vào vũ trụ, hoặc một cô gái trong bộ váy cưới thướt tha. Nhưng trước hết, Barbie là một cô gái tóc vàng, mắt xanh, gương mặt thanh tú và dáng người mẫu mơ ước với đôi chân dài và… vòng một lý tưởng.

Ngày nay, người ta còn cho ra đời nhiều “phụ kiện” đi kèm theo búp bê Barbie như tủ áo với một loạt bộ đồ đủ màu, tủ giầy với các loại từ dép lê đến giầy thể thao hoặc giầy khiêu vũ cao gót. Rồi bàn phấn, tủ giường, bàn ăn… tất cả đều dành cho cô gái xinh đẹp này. Bạn có thể ra phố Lương Văn Can để ngắm các cô Barbie với đủ mẫu mã mà các nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc làm theo "li-xăng" của Công ty Mattel (Hoa Kỳ).

Nói như vậy thì dường như những ai muốn sản xuất búp bê như Barbie sẽ nản lòng vì Hãng Mattel đã nghĩ ra mọi thứ rồi. Tuy nhiên, có một vùng thị trường mà Mattel không đưa Barbie vào được, đó là các quốc gia hồi giáo. Luật Saria khắt khe của đạo Hồi đương nhiên chẳng chấp nhận một cô nàng tóc vàng, chân dài mặc váy ngắn, dù đó chỉ là một cô búp bê. Thế là trẻ em ở các quốc gia theo đạo Hồi phải chịu thiệt thòi là không được có cô búp bê Barbie xinh đẹp làm bạn. Nhưng cũng chính nơi Mattel không xâm nhập vào được lại là mảnh đất mầu mỡ cho những người chịu khó tìm tòi. Mới đây, một doanh nghiệp Ai cập đã cho ra đời các cô búp bê có dáng dấp của Barbie, nhưng các nàng Barbie này mặc váy choàng đến gót và đương nhiên phải che mạng như phụ nữ Hồi giáo chính hiệu. Sản phẩm được hàng chục triệu trẻ em ở các nước Hồi giáo đón mừng. Thử hỏi, nếu không phải một doanh nghiệp sống ở một quốc gia có đông dân theo đạo Hồi và am hiểu giáo lý khắt khe của đạo này thì làm sao nghĩ ra cách cho các búp bê Barbie che mạng, có khăn trùm người.

Đấy là một ý tưởng hay xuất phát từ cuộc sống, và đương nhiên sản phẩm đã được bán rất chạy, đem lại lợi nhuận siêu ngạch cho người nghĩ ra ý tưởng về “Barbie đạo Hồi”.

Và thất bại của Magic Ken đeo hoa tai

Thành công vang dội của búp bê Barbie vào năm 1959 đã khiến các chuyên gia của Hãng Mattel nảy sinh ra một ý tưởng rất Mỹ: Cô Barbie không thể đơn độc được, cô cần có một cậu bạn trai. Ý tưởng này được chuẩn bị cẩn thận và được thăm dò ý kiến các em. Đa số ủng hộ Barbie có bạn trai. Thế là chỉ 2 năm sau khi Barbie xuất hiện, trên thị trường đồ chơi Hoa Kỳ, chàng Magic Ken - bạn trai của Barbie ra mắt. Trẻ em lập tức hoan nghênh bạn trai của Barbie, anh chàng có khuôn mặt rất nam nhi, tóc chải gôm và mặc bộ đồ vét, đeo cà - vạt rất lịch sự. Đứng bên cạnh Barbie tóc vàng, mặc váy dài thướt tha. Họ rõ là một đôi “nam thanh, nữ tú”.

Nhưng các nhà thiết kế của Mattel đã đi xa hơn khi có ý tưởng cho Ken theo sát thời đại, và năm 1963, một chàng Ken không mặc comple, cà - vạt, mà thay vào đó là áo thun, giles da và đeo bông tai. Kết cục ra sao? Mọi người không nhận ra chàng Magic Ken chững chạc, bạn của cô Barbie nữa. Họ thấy Magic Ken đã trở thành một kẻ đồng tính với đôi bông tai lủng lẳng. Đương nhiên, một con búp bê đồng tính nam là điều chẳng thể được chấp nhận, chưa nói gì đến ưa chuộng. Hàng loạt bài báo đã phê phán kịch liệt khi thấy Mattel thay một chàng Ken đầy nam tính bằng một gã đồng tính và Công ty Mattel đã phải ngay lập tức ngưng sản xuất sản phẩm này.

Sự thất bại của Mattel về chàng Ken đeo bông tai là sự thất bại của một ý tưởng khi không nắm bắt được những mong muốn về giá trị gia đình truyền thống xã hội Mỹ. Đó cũng là một bài học còn mãi giá trị cho các nhà kinh doanh hiện nay.


  • 26/10/2012 11:34
  • Theo doanhnghiepmoi.net
  • 4083


Gửi nhận xét