4 bài học về truyền thông xã hội trong kinh doanh

Các doanh nghiệp có nhiều cách thức kết nối với khách hàng, song với những tiến bộ về công nghệ thông tin, chúng ta không thể phủ nhận tính hiệu quả của truyền thông xã hội.

Các mạng xã hội như: Facebook, Twitter, LinkedIn... trở thành các kênh truyền thông hiệu quả (ảnh minh họa)

1. Khách hàng trung thành là kênh truyền thông tốt nhất tới thị trường mới.

Các doanh nghiệp thường bỏ ra rất nhiều nỗ lực và tiền của để tìm kiếm khách hàng mới. Đó là việc làm rất cần thiết. Dù vậy, việc tìm kiếm khách hàng mới thông qua "kênh" khách hàng trung thành vẫn là cách tốt nhất và ít tốn kém nhất. Khách hàng trung thành gắn bó với công ty, với thương hiệu, qua đó công ty có thể kết nối đến mạng lưới bạn bè của họ trên Facebook, Twitter, LinkedIn và các phương tiện truyền thông xã hội khác.

Những khách hàng được phục vụ tốt sẽ gợi ý cho bạn bè và người quen của họ về công ty, thương hiệu và sẽ đưa tên tuổi công ty bạn lên danh mục điểm đến tham khảo trên mạng. Khách hàng trung thành sẽ đem đến cho bạn nhiều khách hàng hơn nữa, bởi vậy đừng quên lôi kéo họ vào các kênh truyền thông xã hội bạn sử dụng khi tìm kiếm thị trường mới.

2. Xã hội hóa truyền thông sẽ thúc đẩy kế hoạch tiếp thị của bạn.

Hãy tham gia vào các cuộc hội thoại với khách hàng. Hãy trả lời trên tư cách cá nhân từng câu hỏi, bình luận, phàn nàn... của khách hàng. Hãy để mọi người thoải mái trò chuyện và hãy cho họ lý do để tiếp tục trò chuyện.

Cần khuyến khích mọi người chia sẻ bài đăng của bạn hoặc vào thăm website của công ty bạn. Hãy mời họ tham gia bằng cách gửi bình luận, gửi ảnh hay một câu chuyện, hoặc mời họ nhấp chuột để tham gia một cuộc thảo luận ở đâu đó.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên đặt chế độ tự động hóa quá nhiều. Khách hàng hoàn toàn có thể nhìn ra bài đăng của bạn trên Twitter hay Facebook là tự động hay có người đăng. Cái họ muốn thấy là đằng sau “bộ mặt xã hội” có một người sẵn sàng lắng nghe và phản hồi trước mỗi ý kiến của họ.

 3. Ý kiến của khách hàng trở nên có giá trị hơn bao giờ hết

78% người tiêu dùng cho biết họ tin vào lời khuyên của những người tiêu dùng khác, trong khi chỉ có 14% tin vào quảng cáo. Chúng ta thường tin vào đánh giá của một người tiêu dùng ngay cả khi chúng ta không biết người đó. Lời đánh giá và khuyến cáo sẽ càng có trọng lượng khi nó đến từ đồng nghiệp, bạn bè hay gia đình của chúng ta.

Truyền thông xã hội mang đến cho người dùng một nền tảng và một thứ quyền lực chưa từng có đối với thị trường. Hãy nhìn vào Ngân hàng Mỹ hay Netflix – những tập đoàn lớn bị xoay như chong chóng khi khách hàng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để phàn nàn về những thay đổi của họ. Chỉ một tiếng nói cũng tạo nên gợn sóng, và rồi có thể biến thành một làn sóng truyền thông xã hội lúc nào không hay.

Đánh giá, ý kiến và khuyến cáo – dù tốt hay xấu – đều rất quan trọng. Các ứng dụng di động đã cho phép người tiêu dùng tìm hiểu về một nhà hàng hay một cửa hàng bán lẻ trước khi mua hàng trực tuyến qua mạng, cũng như đăng nhận xét của họ lên web. Hãy chắc chắn bạn biết khách hàng đang nói gì về mình trên mạng và hãy sửa chữa bất cứ sai lầm nào trước khi những lời càu nhàu, lẩm bẩm biến thành sự bất mãn cao độ.

Mặt khác, khách hàng trung thành là những người truyền bá thương hiệu tốt nhất của bạn. Hãy cảm ơn họ vì bất cứ lời bình luận tích cực nào mà họ nói về bạn trên các phương tiện truyền thông xã hội. Hãy mời khách hàng chia sẻ cảm xúc tích cực về sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Đến cuối ngày, những chia sẻ về trải nghiệm của họ sẽ là chiếc mỏ neo cho hoạt động truyền thông xã hội của bạn.

4. Muốn thành công, phải thử nghiệm.

Trước khi thành công, bạn phải thử nhiều lần, thậm chí mắc lỗi nhiều lần trên các phương tiện truyền thông xã hội. Đôi khi có những nội dung xã hội mà chúng ta cho rằng rất thu hút lại chẳng nhận được chút phản hồi nào, và có những thứ chúng ta làm bâng quơ lại làm nảy sinh những cuộc thảo luận hấp dẫn không ngờ tới. Muốn thành công, các doanh nghiệp nên theo dõi sát sao và thúc đẩy những phương pháp truyền thông có hiệu quả. Ngoài việc phân tích dữ liệu tiếp thị email và thăm dò khách hàng, hãy theo dõi cả số người tham gia trên Facebook và Twitter.


  • 31/08/2012 10:13
  • Theo Cafef.vn
  • 2099


Gửi nhận xét