4 cách giúp hệ tiêu hóa của trẻ hấp thu tốt

Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ như đầy hơi, tiêu chảy… có thể là do sự chăm sóc dinh dưỡng chưa phù hợp.

Cần xây dựng hệ tiêu hóa khỏe mạnh cho trẻ (ảnh minh họa)

Nhiều cha mẹ bày tỏ những lo lắng về hệ tiêu hóa của con mình: “Sao con tôi cứ liên tục bị táo bón, khó tiêu?”, “Mình đã thử rất nhiều cách, thay đổi nhiều loại thức ăn nhưng bé vẫn đi ngoài, tiêu chảy?”... Quả thật, hệ tiêu hóa của bé đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nên dễ bị tổn thương.

Vì vậy, bạn đừng đợi đến lúc xuất hiện các rối loạn mới giải quyết mà nên xây dựng hệ tiêu hóa khỏe mạnh ngay từ đầu làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển về sau.

Dưới đây là 4 cách đơn giản giúp bạn nâng đỡ hệ tiêu hóa cho con một cách dễ dàng:

1. Tránh cho bé ăn thực phẩm khó tiêu và có thể gây dị ứng

Hệ tiêu hóa của bé còn non yếu nên bạn cần hết sức cẩn thận, tránh để trẻ ăn/uống những thực phẩm khó tiêu hóa và có khả năng gây dị ứng. Khi cho ăn bất kỳ món gì mới, cũng nên bắt đầu từ lượng thật ít, sau đó mới tăng dần.

Không nên cho bé ăn quá nhiều loại thức ăn khác nhau trong ngày vì nếu tình trạng dị ứng xảy ra, bạn sẽ không xác định được bé “có vấn đề” với loại thực phẩm nào. Cho bé ăn quá sớm các loại hải sản, thực phẩm nguyên hạt, nhiều đạm, tinh bột… sẽ không giúp bé cứng cáp mà ngược lại làm hệ tiêu hóa bị “quá tải” và dẫn đến rối loạn.

2. Chọn dinh dưỡng dễ hấp thu

Chắc hẳn bạn biết đạm đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Tuy nhiên trong đạm sữa bò thông thường có hàm lượng casein cao (80%) và beta - lactoglobulin (10%) và cần nhiều thời gian để dạ dày tiêu hóa. Vì vậy, casein dễ bị ứ đọng lại gây áp lực cho hệ tiêu hóa vốn còn rất non yếu.

Đó là lý do tại sao bạn nên chọn các loại sữa có chứa đạm whey giàu alpha - lactalbumin, dễ tiêu hóa hấp thu hơn casein. Bên cạnh đó có thể cải thiện chỉ số axít amin tryptophan giúp bé ngủ ngon, tham gia dẫn truyền thần kinh, giúp phát triển não bộ cho bé. Đây là cách giảm gánh nặng chuyển hóa đạm cho cơ quan tiêu hóa, giúp bé hấp thu tốt hơn và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện.

3. Bổ sung hệ vi khuẩn có lợi

Bình thường trong đường ruột sẽ tồn tại hai loại vi khuẩn: Lợi và hại khuẩn. Sở dĩ các vi khuẩn có hại không gây ảnh hưởng gì cho bé do chúng bị các lợi khuẩn “kìm hãm” hoạt động. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó làm mất đi sự cân bằng giữa chúng, khiến hại khuẩn áp đảo thì bé yêu dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đi ngoài phân sống....

Để tình trạng này không xảy ra, hãy đảm bảo sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, mà cách tốt nhất là bạn nên bổ sung thêm cho bé hệ lợi khuẩn probiotic và thức ăn của chúng là chất xơ hòa tan FOS (hay còn gọi là prebiotic). Những vi khuẩn lành mạnh đó có thể được tìm thấy trong một số loại sữa công thức được bổ sung hệ khuẩn này có ghi rõ trên bao bì.

4. Chế biến đúng cách thức ăn cho bé

Thực phẩm bị nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh hay chế biến không đúng cách rất dễ làm trẻ bị tiêu chảy... Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung thêm hệ lợi khuẩn như đã nhắc ở trên, bạn cũng nên hết sức lưu ý đến vấn đề vệ sinh, chế biến đúng cách thức ăn cho bé. Thức ăn của bé luôn cần chọn nguyên liệu sạch, an toàn, tươi ngon, cần chế biến ngay.

Cho bé ăn dứt điểm từng bữa, hạn chế tình trạng hâm nhiều lần. Thận trọng khi hâm bằng lò vi sóng vì lượng nhiệt có thể phân bổ không đều. Nấu mềm và nghiền nhuyễn nguyên liệu thay vì hầm lấy nước. Đặc biệt, bạn nên chọn các loại sữa có công thức phù hợp với hệ tiêu hóa non yếu của bé, đồng thời đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất, giúp trẻ phát triển hoàn thiện và khỏe mạnh.


  • 26/10/2012 04:26
  • Theo eva.vn
  • 2029


Gửi nhận xét