Cấp trên và cấp dưới: Ứng xử thế nào cho hợp lý?

Văn hóa ứng xử giữa cấp trên và cấp dưới là một nghệ thuật, đòi hỏi người lãnh đạo phải mềm dẻo giữa “mệnh lệnh” và “thu phục nhân tâm” để đạt được mục đích cuối cùng là tính hiệu quả của quyết định.

Ngày làm việc 8h tại công sở, nhất là trong thời đại CNTT, Sếp tôi thường xuyên tiếp xúc với cấp trên, đồng nghiệp và các khách hàng thông qua nhiều hệ thống tương tác: Nói chuyện trực tiếp, điện thoại, thư điện tử, hội nghị, hội nghị trực tuyến… Điều đó cũng có nghĩa là Sếp thường xuyên phải xử lý “một núi” công việc.

Có những việc Sếp phải quyết định ngay, rồi yêu cầu nhân viên thực hiện theo “mệnh lệnh”. Nhưng cũng có những việc Sếp cân nhắc và tổng hợp những ý kiến cấp dưới, tranh thủ ý kiến của đồng nghiệp khác.., từ đó, Sếp đưa ra quyết định cuối cùng.

Giao tiếp, trao đổi giữa cấp trên và cấp dưới là một quá trình tác động qua lại, đòi hỏi sếp và nhân viên đều phải là những chủ thể tích cực. Có như vậy, việc giao tiếp mới đạt hiệu quả cao.

Khi lãnh đạo ra các quyết định nào đó thì cần phải tiên lượng được thái độ, phản ứng và khả năng thực thi của cấp dưới. Việc cân nhắc, bàn bạc với cấp dưới trên tinh thần dân chủ, kết hợp với chủ ý của mình, từ đó ra quyết định chính xác là thể hiện sự tin tưởng của cấp trên đối với cấp dưới trong việc ra quyết định, nhất là những quyết định có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của đơn vị/doanh nghiệp.

Lãnh đạo cấp trên cần tôn trọng những ý kiến của cấp dưới, tạo cho họ niềm tin và có quan điểm tương đối đồng nhất, truyền cảm hứng cho họ mọi lúc, mọi nơi, thu phục được nhân tâm, tránh thái độ hách dịch, ra lệnh, quát tháo cấp dưới. Đó mới là người lãnh đạo giỏi!

Tuy nhiên, ngược lại, mỗi đơn vị/tổ chức là một xã hội thu nhỏ, khá phức tạp, “5 người mười ý”, nên những lúc cần thiết, sếp phải có những quyết định cuối cùng, giao nhiệm vụ cho nhân viên phải hoàn thành công việc với chất lượng và thời gian quy định.

Ứng xử khéo léo trong giao tiếp giữa cấp trên và cấp dưới nói thì dễ, nhưng làm thì không hề đơn giản, đòi hỏi cấp trên phải linh hoạt, mềm dẻo giữa “mệnh lệnh” và “thu phục nhân tâm”.

Ông Bùi Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Điện lực Hải Châu (Công ty Điện lực Đà Nẵng):

Tôi lựa chọn ứng xử với cấp dưới theo phong cách “thu phục” (làm việc dân chủ, tranh thủ các ý kiến, sự bàn bạc của cấp dưới trước khi ra những quyết định quản lý). Bởi vì khi chúng ta tranh thủ được các ý kiến, có sự bàn bạc trước khi ra quyết định sẽ giảm được nguy cơ ra những quyết định sai lầm. Có được những quyết định đúng, phù hợp sẽ tạo được sự đồng thuận cao khi triển khai công việc. Tuy nhiên, sau khi thu thập thông tin, lãnh đạo cũng cần có tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Phong cách ứng xử đó đã mang lại hiệu quả trong công tác quản lý tại đơn vị, giúp cho người đứng đầu ra được những quyết định đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, có được sự đồng thuận cao trong Ban Giám đốc. Khi đã ra quyết định, các phòng, đội, tổ sản xuất phải nghiêm chỉnh chấp hành, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của đơn vị.


  • 06/08/2016 03:41
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7859