Chạy đua với thương hiệu ngoại bằng chiến thuật "Second Bird"

Chiến thuật "Second Bird" (con chim thứ 2 trong đàn) giúp thương hiệu yếu hơn gây sự chú ý và qua đó có cơ hội "ngồi cùng chiếu trên" với thương hiệu dẫn đầu.

Có vẻ như các doanh nghiệp Việt Nam ít ai để ý tới chiến thuật "Second Bird", chiến thuật đã được khá nhiều các “đại gia” ngoại sử dụng trong công cuộc marketing của mình.
 

Trung Nguyên đã thành công khi dùng chiến thuật "Second bird" đối đầu với ông lớn Starbucks   Ảnh minh họa.

 
Từ sản phẩm và chiến lược đối đầu
 
Nhìn vào cuộc chiến Coca Cola và Pepsico, Domino Pizza và Pizza Hut, Iphone và Samsung Galaxy, Burger King và Mc Donald's sẽ thấy rõ điều này. Từ một kẻ đến sau, có ít tiền hơn đối thủ đứng đầu, nhưng Pepsico tỏ ra mình khôn ngoan đối đầu với Coca Cola.
 
Đã có lúc Pepsico đã khiến Coca “đau đầu” với chiến thuật này khi tung ra sản phẩm và chiến lược chống lại Coke. Coke có Sprite thì Pepsico có 7Up, Coke có Samurai thì Pepsico có Sting. Chiến dịch quảng cáo "Uống Pepsi trúng 365 triệu" thì Coke sẵn sàng “tuyên chiến” với chương trình “Khuyến mại Alo vô tư VinaPhone cùng CocaCola".
 
Hay vụ lùm xùm của Trung Nguyên với Starbucks cũng được coi là một điển hình của chiến thuật "Second bird". Chủ tịch cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã dùng chiến thuật "Second bird” trong hoạt động kinh doanh của mình. Starbucks tuyên bố sẽ mở cửa hàng trên khắp Việt Nam thì Trung Nguyên tuyên bố sẽ chinh phục thủ phủ cà phê thế giới Mỹ.
 
Ngay lập tức, mọi ánh mắt lại dồn về phía Trung Nguyên. Như thế, cho dù tổng tài nguyên ít hơn nhưng Trung Nguyên lại kéo về phía mình sự chú ý của thế giới và sự quan tâm của khách hàng. "Khán giả" thấy 2 đối thủ đấu nhau mới bắt đầu chú ý tới cuộc chạy đua của 2 thương hiệu trên. Kết quả là kẻ yếu hơn rất nhiều như Trung Nguyên lại được xếp “chung chiếu” với gã khổng lồ Starbucks - thương hiệu cà phê số 1 thế giới.
 
Trung Nguyên đã làm được một việc khó khăn, đó là không để tụt lại xa so với con chim đầu đàn là Starbucks. Vì Trung Nguyên "bay" sát Starbucks sẽ có lợi và sẽ phát triển nhanh hơn nhờ sức hút mạnh theo quán tính, điều này cũng đỡ tốn sức, đỡ tốn tiền truyền thông cho Trung Nguyên.
 
Đến câu chuyện khác biệt để khẳng định thương hiệu
 
Phải chăng chiến thuật "Second Bird" cũng là cách mà các đại gia ẩm thực Việt nên học hỏi trong cuộc chạy đua với các ông lớn fastfood (thức ăn nhanh)? 
 
Thương hiệu cơm kẹp Vietmac đã làm tốt việc tạo ra được sự khác biệt giữa Humburger và cơm kẹp. Vietmac đã thay bánh bột mì bằng cơm, thay đổi vị để hợp gu hơn với người Việt. Và họ hoàn thành phần khác biệt giữa Humburger - văn hóa nước ngoài và cơm - giá trị cốt lõi trong cuộc sống của người Việt, ngoài ra, cũng tạo ra sự khác lạ so với những sản phẩm cơm khác mà người Việt hay ăn hàng ngày.
 
Câu chuyện của Vietmac kể cho khách hàng cũng là một phần giúp VietMac thành công trong thời gian ngắn. Nhưng sau đó, Vietmac đã chậm lại khi vấp phải vấn đề cạnh tranh bản quyền và không đủ tiềm lực tài chính để chạy đua mở rộng mô hình với thương hiệu ngoại.
 
Hay như trường hợp của Phở 24: Phở 24 tạo ra sự khác biệt với các loại phở khác bằng công thức 24 loại gia vị khác nhau, chắt lọc tinh túy từ phở 3 miền mà không loại phở khác nào ở Việt Nam có được. Cũng vì sự khác biệt ấy mà Phở 24 lại mất đi chỗ đứng khi chính mình không làm chủ được bản thân, khi để 24 loại gia vị ấy trong một tô phở, thương hiệu 24 lại khác nhau ở chất lượng trong chuỗi cửa hàng của chính mình.
 
Có thể thấy, ở thị trường Fastfood Trung Quốc, KFC, Burger King, McDonald's... đang thất thủ trước những thương hiệu nội. Và chiến thuật mà các đại gia Trung Quốc sử dụng không có gì khác chính là tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm và sử dụng chiến thuật "Second Bird" với các ông lớn nước ngoài.
 


  • 11/12/2013 10:03
  • Tổng hợp theo Tiền Phong online
  • 1732


Gửi nhận xét