Đằng sau mỗi cái bắt tay...

Bắt tay là nghi lễ xã giao thường thấy, thay cho "miếng trầu là đầu câu chuyện" và đôi khi cũng thay cho cái “nghéo tay” giữ lời hay thông điệp chúc mừng ai đó thành công. Những cái bắt tay không chỉ đơn giản là một kỹ năng giao tiếp mà còn là một nghệ thuật, bởi mỗi người sẽ có mong muốn và những ấn tượng khác nhau khi bắt tay người đối diện. Dưới đây là chia sẻ của một số CBCNV ngành Điện về những cái bắt tay mà họ mong muốn và có ấn tượng tốt trong giao tiếp.

Chị Nguyễn Thị Khuyên, chuyên viên Văn phòng Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC):

Tôi mong nhận được một cái bắt tay nhẹ nhàng và dứt khoát

Một cái bắt tay “đạt chuẩn”, gây ấn tượng tốt đối với tôi là một cái bắt tay dứt khoát với lực vừa phải. Tôi sẽ có ấn tượng không tốt với những người bắt tay quá chặt vì điều đó làm cho người đang giao tiếp với họ cảm thấy sợ hãi. Dù vậy, không có nghĩa là tôi thích một cái nắm tay hờ hững. Nếu đối phương làm chủ được cường độ cái bắt tay của mình ở mức độ vừa phải, không quá lỏng, không quá chặt, chỉ lắc tay nhẹ nhưng dứt khoát thì tôi nghĩ đó là một cái bắt tay lịch sự, gần gũi và rất dễ chịu.

Trên thực tế, có nhiều cách bắt tay cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể vì đây không phải là một hoạt động giao tiếp cứng nhắc. Riêng với bản thân tôi, khi bắt tay, dù theo chuẩn mực nào, cũng phải đảm bảo sự thân thiện, cởi mở, bình đẳng, tôn trọng, nhất là khi bạn dành cái bắt tay đấy cho một phụ nữ. Bởi trong khi giao tiếp, phụ nữ chúng tôi lịch sự thường chủ động đưa tay cho nam giới bắt, chứ đàn ông không nên đưa tay ra bắt trước.

 

Anh Nguyễn Văn Nam, chuyên viên Phòng CNTT, Công ty Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa)

Một cái bắt tay ướt nhoẹt sẽ khiến tôi có ấn tượng rất tệ

Trước đây, khi tham gia một cuộc họp, tôi đã chứng kiến một vị khách trong đám đông vội vã nhoài người qua các vị khách ngồi hàng trên để với tay xuống hàng dưới bắt tay khi tay anh ta luôn đổ mồ hôi. Hành động này được quan khách có mặt trong buổi họp xem là cách đối đãi thiếu lịch sự. Do đó, khi tham gia một cuộc giao tiếp, tôi luôn quan tâm làm sao để cái bắt tay đảm bảo yếu tố thân thiện, lịch thiệp.

Bên cạnh đó, dù rất hạn chế việc từ chối bắt tay đối tác, song, trong một số trường hợp như tay bị đau, viêm khớp hoặc tay đang đổ mồ hôi…thì việc nên từ chối một cái bắt tay là cần thiết. Điều này sẽ tránh việc đối tác, khách hàng sẽ thấy “khó chịu” ngay sau cái bắt tay. Trong tình huống như vậy, tôi thường đưa ra lời giải thích như: Tôi rất vui khi được gặp anh/chị. Và xin lỗi vì đã không bắt tay anh/chị. Tôi đang bị cảm lạnh và tôi không muốn lây sang anh/chị.

Bắt tay là một kỹ năng giao tiếp qua ngôn ngữ cơ thể và là biểu tượng của sự đón tiếp, nên tôi mong muốn tạo được tình cảm, niềm tin cho người đối diện và chứng minh cho họ thấy thiện cảm của mình.

.

Chị Phạm Thùy Dung, chuyên viên Ban Quản lý xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Có sự chủ động nhưng không hấp tấp

Tôi rất ấn tượng với những cái bắt tay chào hỏi trong lần đầu hợp tác, gặp mặt mà có sự thân thiện, chân thành và cởi mở từ đối phương, bằng cách chủ động mở rộng cánh tay để tỏ ý muốn bắt tay với mình. Tuy nhiên cũng không nên hấp tấp mà phải đợi sự đáp lại, đợi đối phương giơ tay ra và sẵn sàng cho một cái bắt tay.

Và sẽ tuyệt hơn nhiều nếu khi bắt tay mà khách hàng, đối tác của tôi nói một lời nào đó tùy thuộc vào hoàn cảnh như khi được giới thiệu với người khác, chúng ta có thể nói “Rất vui được gặp bạn”, sau một cuộc đàm phán thành công, bạn có thể nói “Cảm ơn anh/chị”,…

Helen Keller là một tác gia nữ người Mỹ rất nổi tiếng, bà là người vừa điếc vừa mù, khi nói về những cái bắt tay bà đã nhận xét rằng: “Có những bàn tay tôi từng tiếp xúc có cảm giác như khoảng cách giữa hai người cách xa hàng dặm, nhưng cũng có những cái bắt tay tràn đầy ánh sáng, cái bắt tay của họ lưu lại cho bạn một cảm giác cực kỳ ấm áp…” . Tôi cũng mong mình sẽ luôn nhận được một cái bắt tay đáng nhớ như vậy!


  • 24/08/2018 02:45
  • Thanh Huyền
  • 2709