Giao tiếp ở công sở, đừng ứng xử như thế

Trong giao tiếp - ứng xử tại công sở, không ít người vì quá coi trọng cái tôi của mình, mà không hề biết đến cảm giác và thái độ của đồng nghiệp và đối tác, nên đã không gặt hái được thành công trong giao tiếp cũng như kinh doanh. Dưới đây là những câu bạn không nên nói trong môi trường công sở.

Giao tiếp tại công sở không phải lúc nào cũng bắt đầu là "Tôi muốn..." (ảnh minh họa)

“Tôi rất muốn nói chuyện với ông. Chuyện rất quan trọng!”

Câu chuyện có thể quan trọng với bạn nhưng lại chẳng có giá trị gì với người khác. Đừng nghĩ cả thế giới này phải quan tâm đến mọi tâm tư của bạn, đặc biệt là những người bận rộn như sếp. Nếu bạn muốn bàn công việc với sếp, hãy trình bày cụ thể ngay từ câu đầu tiên. Chẳng hạn như: “Tôi muốn bàn với ông về dự án đấu thầu công trình X”.

“Tôi không muốn bị ai dạy đời”

Đừng biến mọi lời góp ý, chỉ bảo đầy tính xây dựng của sếp và đồng nghiệp thành những lời chỉ trích, dạy đời. Cho dù bạn là “kẻ biết tuốt” thì bạn vẫn có nhiều điều phải học hỏi người khác. Đừng hợm hĩnh và bảo thủ trong công việc.

“Tôi không hiểu, tôi không biết”

Câu nói của bạn giống như một bức tường thành cho thấy bạn không hề có ý định quan tâm, tìm hiểu sự việc. Bạn rất thiếu tinh thần học hỏi và bạn chỉ thích hợp với sự cô độc.

“Làm ơn nhắc lại”

Nếu câu này được nói 1 - 2 lần, không có vấn đề gì. Nếu câu này được bạn nhắc lại hàng ngày, trong mọi cuộc họp, cuộc trao đổi, bàn luận, rõ ràng bạn không tập trung vào vấn đề, thiếu tôn trọng người nói, thậm chí có thể đầu óc bạn đang “có vấn đề”.

“Đó không phải là nhiệm vụ của tôi”

Rất có thể đó đúng là không phải nhiệm vụ của bạn. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng chỉ làm đúng công việc hàng ngày của mình, bạn sẽ lấy đâu ra cơ hội thăng tiến? Câu nói này không chỉ là một lời từ chối mà còn là một sự chối bỏ trách nhiệm.

“Chị X cùng phòng suốt ngày bật nhạc to”

Không ai thích nghe những lời mách lẻo, nói xấu sau lưng, nhất là về những chuyện nhỏ nhặt. Nếu có thể, bạn cứ nói thế để chia rẽ môi trường làm việc, nhưng đừng mong ghi điểm trước sếp.

“Tôi phải làm việc như một nô lệ”

Bạn làm việc vì lợi ích và sự nghiệp của bạn. Nếu không thích, bạn có thể ở nhà hoặc xin một chỗ làm nhàn hơn. Hoặc bạn có thể xin xuống làm lễ tân trực điện thoại, có thể công việc của bạn sẽ nhàn hơn. 


  • 13/04/2012 04:09
  • Theo Dân trí
  • 3276


Gửi nhận xét