Hóa giải mâu thuẫn với đồng nghiệp

Dẫu “cùng hội cùng thuyền”, nhưng tránh sao khỏi những lúc đồng nghiệp bất đồng. Đừng vội nhăn nhó, hãy phân loại mâu thuẫn và áp dụng các kế sách dưới đây để hóa giải.

Hãy nói những gì bạn cảm thấy không nhất trí bằng thái độ điềm tĩnh, lịch sự và nhẹ nhàng nhất (ảnh minh họa)

1. Do bất đồng quan điểm

Vấn đề này xảy ra thường xuyên trong môi trường làm việc theo đội, nhóm. Để đồng nghiệp dễ dàng hợp tác với mình, bạn hãy đề cao phương châm cùng bàn bạc và thảo luận. Hãy nói những gì bạn cảm thấy không nhất trí bằng thái độ điềm tĩnh, lịch sự và nhẹ nhàng nhất.

2. Do bạn được sếp ưu ái hơn

Dẫu biết được sếp ưu ái hơn không phải là cái tội, nhưng bạn cũng cần hoà đồng với mọi người. Đừng tỏ ra xa cách với tập thể bằng việc thường xuyên gắn bó với sếp. Quanh bạn còn có nhiều mối quan hệ khác chứ không chỉ có mối quan hệ với cấp trên.

Trước mắt mọi người, nếu bạn thể hiện mình là nhân vật không thể thiếu của sếp thì quả là một sai lầm. Nếu mọi người có hằn học vì sự ưu ái của sếp với bạn thì cũng đừng quá tức tối, hãy trò chuyện xã giao với đồng nghiệp nhiều hơn.

3. Do cạnh tranh trong công việc

Nhiều công ty thường đưa ra chỉ tiêu, phần thưởng để khích lệ nhân viên làm việc tích cực hơn. Tuy nhiên, điều này đôi khi gây ra mâu thuẫn nội bộ. Để giải quyết, trước hết bạn cần xác định rằng không vì quyền lợi cá nhân của mình mà làm ảnh hưởng đến người khác. Nếu họ chơi xấu, bạn hãy đứng ra đàm phán và dàn xếp.

4. Do hiểu lầm

Không nên xem thường những hiểu lầm vặt vãnh. Hãy làm sáng tỏ càng sớm càng tốt những mâu thuẫn này. Tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu mọi người để bụng.

Trước khi giải quyết mâu thuẫn, bạn đừng quên những điều sau:

  • Đã gọi là thảo luận và bàn bạc, bạn nhất thiết không nên có phản ứng quá gay gắt. Lời lẽ nhẹ nhàng, mềm mỏng lại chính là cách giúp bạn giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
  • Không nên nêu ra những điều thị phi, lời đồn không căn cứ trong cuộc nói chuyện. Bạn cần tập trung vào mấu chốt vấn đề.
  • Khi tranh luận, tránh dùng đại từ “tôi” quá nhiều. Hãy cho đồng nghiệp biết bạn sẵn sàng lắng nghe họ nói, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ nghe theo tất cả yêu sách của họ.
  • Chấp nhận thực tế "chín người mười ý", bạn không thể nào cùng lúc được lòng mọi người.
  • Đừng quên, sếp cũng là người giúp bạn dàn xếp thỏa đáng các mâu thuẫn. Hãy đem những khúc mắc ra bàn với sếp và xin vài lời khuyên.


  • 16/07/2012 03:47
  • Theo tin247.com
  • 2583


Gửi nhận xét