Bảo thủ, hay cáu giận và không thừa nhận sai lầm - đó là những lỗi sếp thường mắc phải
|
Không quan tâm đến môi trường văn phòng
Không được phép quan niệm đơn giản văn phòng là nơi tập trung nhân viên. Nó cần phải trở thành một tổ hợp sáng tạo, nơi các nhân viên của bạn được phép phô diễn khả năng tối đa để đem lại hiệu quả công việc.
Trong thời đại công nghệ hiện nay hãy đảm bảo cho văn phòng của bạn những điều kiện cơ bản nhất về cơ sở vật chất kỹ thuật. Máy tính ổn định, mạng tin tức liên lạc thông suốt, môi trường thoáng gió và bố trí khoa học là những yếu tố mà văn phòng hiện đại nào cũng phải có. Thời gian làm việc hiện nay với các nhân viên ngày càng uyển chuyển song không vì thế mà tầm quan trọng của văn phòng bị giảm nhẹ. Cần cố gắng để mọi người không thấy phí thời gian khi đến văn phòng, hài lòng vì được đối xử xứng đáng với thái độ làm việc của mình.
Dùng người không đúng việc
Đây là một trong những sai lầm có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng nhất. Nó bắt nguồn từ việc người chỉ huy cứng nhắc trong hành động, có những định kiến chủ quan, thiếu hòa đồng với nhân viên cấp dưới, tùy tiện điều hành và vô trách nhiệm.
Khi giao việc cho ai, người quản lý phải nắm rõ tính chất công việc cũng như khả năng của người được giao nhiệm vụ. Trong quá trình tiến hành, khi có những phát sinh, người quản lý cũng phải theo sát và điều chỉnh kịp thời. Chỉ nên bàn bạc những quyết định nhân sự với một số ít cố vấn, tránh tình trạng truyền tin trong công sở. Các đầu việc nên có người phụ trách riêng để trách nhiệm và quyền lợi không bị chồng chéo, thiếu minh bạch.
Quá quan trọng việc mắc lỗi, khăng khăng không nhận sai
Giám đốc thì cũng là con người, không tránh khỏi những lúc sai lầm. Đừng vì bảo vệ hình ảnh của mình một cách quá mức mà không thừa nhận chân lý. Sai lầm chỉ thực sự là thảm họa khi để che dấu nó người ta dùng mọi cách để “đổi trắng thay đen”.
Sai lầm của nhân viên mà không được phát hiện nguy hại một thì sai lầm của lãnh đạo bị lấp liếm còn nguy hại hơn nhiều. Thậm chí trong một số trường hợp việc tiếp tục thực hiện những chỉ thị sai lầm theo kiểu “việc đã rồi” còn khiến hậu quả nghiêm trọng hơn nữa. Người lãnh đạo nhận sai không nhất thiết phải xin lỗi phô trương, quan trọng nhất là nhận định lại tình hình và đưa ra quyết sách phù hợp từng thời điểm.
Ngại đổi mới vì đã từng gặp sự cố
Tâm lý e ngại rất dễ cảm thông với các trường hợp khách quan, nhưng đối với người chỉ huy điều này khó có thể chấp nhận được. Sự cố là một điều không thể tránh khỏi trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng nhất sau mỗi sự cố là phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp khắc phục và rút ra những kinh nghiệm để tránh phạm những sai lầm giống như vậy những lần sau.
Thực chất, đổi mới chính là thay đổi phương thức để tránh những sai lầm cũ. Vì thế, đừng ngại ngùng khi áp dụng một phong cách quản lý mới. Nghiên cứu kỹ càng và thử nghiệm chu đáo sẽ khiến bạn tránh được những sai lầm đáng tiếc. Không còn những sự cố, thành công đến chỉ là sớm hay muộn.
Không coi trọng sức khỏe
Nhiều giám đốc vì bận rộn, sốt ruột muốn đạt tới thành công mà quên đi việc chăm lo sức khỏe của mình. Tuy vẫn có thể đảm bảo về mặt thời gian cho công việc, nhưng nhìn vào hiệu quả và không khí làm việc thì thấy rõ sự xuống sức của những sếp làm việc thiếu khoa học. Đó là hậu quả của những người làm việc như con thiêu thân, mà thiếu đi tầm nhìn xa về một tương lai ổn định cho doanh nghiệp.
Ở Mỹ phổ biến một quan điểm quản lý: Một người không thể quản lý được sức khỏe của cơ thể mình, thì cũng không đủ khả năng để quản lý người khác, không tự sắp xếp được cuộc sống của mình một cách khoa học cũng đừng hòng đi tới thành công.