Giáo sư John Kotter, tác giả cuốn sách Linh hồn của sự thay đổi cho biết: "Nếu bạn nói với các nhà quản lý ở thập niên 60 rằng, giới kinh doanh ngày nay cố gắng làm tăng năng suất thêm 20 - 50% trong vòng 18 - 36 tháng, cải tiến 30 - 100% chất lượng, và giảm 30 - 80% thời gian phát triển sản phẩm mới, thì họ chắc sẽ cười vào mũi bạn... Nhưng thách thức mà chúng ta phải đối mặt hôm nay rất khác biệt, nền kinh tế toàn cầu hóa buộc các hãng sản xuất phải cải tiến, không chỉ để phát triển, mà còn để tồn tại...".
Cải tiến không ngừng, thay đổi không ngừng. Điều đó ai cũng biết, nhưng không dễ thực hiện. Doanh nghiệp như một cỗ xe và cỗ xe nào cũng có quán tính. Tâm lý ngại thay đổi, lười thay đổi, thậm chí sợ thay đổi tồn tại ở cả lãnh đạo lẫn nhân viên của khá nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, nhiệm vụ của mọi lãnh đạo doanh nghiệp trong thế kỷ 21 là phải dẫn dắt thành công những quá trình thay đổi. Đây là một yếu tố tối quan trọng để thành công.
John Kotter đã bắt đầu hướng nghiên cứu này từ năm 1994 với bài luận: "Dẫn dắt sự thay đổi" đăng trên Tạp chí Kinh doanh Harvard. Cuốn sách cùng tên này ra đời năm 1996 và cho đến giờ, những tri thức trong đó vẫn rất hợp thời. Trọng tâm của "Dẫn dắt sự thay đổi" là 8 bước quan trọng mà một doanh nghiệp phải thực hiện để dẫn dắt sự thay đổi thành công. Kotter đã không tự nhiên nghĩ ra bộ công thức này, mà đó là tập hợp những kết luận sau 15 năm nghiên cứu của ông về chủ đề này. Nếu coi mỗi cuộc thay đổi là cách mạng, thì có thể coi 8 bước này là công thức làm cách mạng, công thức chiến thắng quán tính trì trệ của doanh nghiệp.
6 năm sau khi cho ra đời cuốn “Dẫn dắt sự thay đổi”, John Kotter cùng cộng sự tiếp tục cho ra đời cuốn “Linh hồn của sự thay đổi”. Đó là tập hợp một số câu chuyện thú vị về những khó khăn vướng mắc mà các tổ chức hoặc cá nhân thường gặp phải. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp hiệu quả trong từng trường hợp cụ thể. Nói một cách nôm na thì cuốn “Dẫn dắt sự thay đổi” là lý thuyết, còn cuốn “Linh hồn của sự thay đổi” là "case study" (nghiên cứu các trường hợp) của những lý thuyết đã được đưa ra trong cuốn “Dẫn dắt sự thay đổi”.
8 bước của Kotter có đúng hay không trong thực tiễn Việt Nam? Liệu môi trường kinh doanh ở Việt Nam có thay đổi nhanh tới mức phải đọc và tìm hiểu những lý luận về thay đổi của Kotter hay không? Lãnh đạo các doanh nghiệp đang trì trệ liệu có động lực, đủ để nhìn thấy sự cần thiết phải tìm cách thay đổi như những gì Kotter thuyết giảng? Câu trả lời sẽ đến với bạn đọc sau khi gập lại những trang cuối của cuốn sách.
Đọc online cuốn sách "Linh hồn của sự thay đổi" tại đây.