Mớ rau nghĩa tình

Mẹ tôi là người rất kĩ tính, hiểu biết về thực phẩm, nên thứ nào mẹ mua về cũng đảm bảo an toàn vệ sinh. Tính mẹ cẩn thận như thế, nhưng lạ là lần nào đi chợ cùng mẹ, tôi cũng thấy mẹ rẽ vào hàng rau cuối chợ của một bà cụ khoảng ngoài 70 tuổi, mua cho bà cụ vài mớ rau.

Rau của bà cụ lổn nhổn mớ to, mớ nhỏ, mỗi loại một vài mớ, nhiều mớ đã héo quăn queo, lẫn với những lá úa vàng, mẹ nhặt hết vào giỏ với thái độ thoải mái, vui vẻ. Lần nào khi trả tiền rau cho bà cụ xong, mẹ cũng biếu thêm bà cụ dăm, mười nghìn.

Bà cụ bán rau không phải là người dễ nhận của biếu, nên lần nào mẹ tôi biếu tiền, bà cụ cũng chối đây đẩy. Nhưng lý do của mẹ tôi đưa ra lại vô cùng thuyết phục: Khi thì nói biếu bà mua miếng trầu, khi bảo gửi nhờ bà hái cho nắm chè xanh, lúc lại lý do rau của bà ngon, để vài nghìn “giữ chỗ”... nên bà cụ chẳng thể từ chối.

Mẹ tôi mua hết những mớ rau bó không đều do mắt bà cụ đã kém, mua hết những mớ rau héo bị người đi chợ chê bai mà loại ra. Số rau mua về, mớ nào ăn được thì mẹ để lại; mớ nào già, héo mẹ bảo tôi đem đến cuối xóm cho một ông lão về hưu nuôi mấy con thỏ…

Tôi lấy làm thắc mắc lắm, hỏi mẹ mới biết bà cụ bán rau hiện đang sống cùng người con trai thương binh làm nghề chạy xe ôm. Con trai bà cụ bị di chứng chiến tranh nên không lập gia đình, chồng bà cụ cũng đi bộ đội rồi hy sinh, nhưng do giấy tờ bị mất, nên không được hưởng chế độ liệt sĩ. Mẹ con bà cụ nghèo, tiền chạy xe ôm không được bao nhiêu, nên dù đã già cả, mắt kém vẫn phải bán rau để mưu sinh.

Cách cư xử của mẹ đã dạy cho tôi bài học về việc tri ân những người đã hy sinh, đánh đổi cả cuộc đời, hạnh phúc của riêng mình cho hòa bình, độc lập dân tộc -  từ những hành động rất bình dị.


  • 31/07/2012 09:57
  • M.Hạnh
  • 2155


Gửi nhận xét