Người thợ điện tâm huyết với nghề

Trong cái nắng nhè nhẹ của tiết trời cuối năm, tôi có dịp đến thăm đơn vị anh công tác. Giữa bao bộn bề công việc, vẫn bừng sáng nơi anh nụ cười hiền hòa. Anh là Nguyễn Văn Cận, Tổ trưởng Tổ trực điện Tam Phước - Điện lực Long Thành (Công ty Điện lực Đồng Nai).

                                       

Anh Cận luôn nhiệt tình trong công tác, nhiều năm liền là thợ điện giỏi

Vào nghề bằng niềm say mê

19 tuổi, anh trở thành công nhân điện lực. Vào nghề bằng cả niềm say mê, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào được tổ chức phân công. Thời gian đầu anh làm tại Sở Điện lực Long An, 5 năm sau anh chuyển công tác về Sở Điện lực Đồng Nai (nay là Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai).

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi Chi nhánh điện Long Thành mới thành lập, anh là một trong những công nhân đầu tiên “bám trụ” và qua nhiều năm đã góp phần không nhỏ vào sự ổn định và phát triển của Điện lực Long Thành ngày nay.

51 năm tuổi đời với 32 năm tận tâm với nghề điện, anh trở thành người anh cả, là tấm gương trong công tác, được lãnh đạo và đồng nghiệp yêu mến, tin tưởng. Hiện tại, Tổ trực của anh đang quản lý 160 km đường dây trung thế, 198 km đường dây hạ thế, 221 trạm biến áp công cộng, cùng 2 khu, cụm công nghiệp Tam Phước và dốc 47 Đồng Nai.

Khối lượng công việc của Tổ trực rất lớn, hàng ngày liên tục nhận các cuộc điện thoại của khách hàng hỏi từ sửa điện, cúp điện đến những thắc mắc khác… Bận rộn, mệt nhọc là thế nhưng anh vẫn tự nhắc mình phải luôn bình tĩnh, lịch sự với khách hàng. Anh dí dỏm: “Chắc tôi bị bệnh nghề nghiệp rồi, nhiều đêm ngủ mà cứ giật mình vì nghe văng vẳng bên tai tiếng chuông điện thoại”.

Sau làn da rám nắng, đôi bàn tay chai sần chắc khỏe của anh là sự bền bỉ, cần mẫn với công việc. Hằng ngày, sau khi sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho anh em, anh lại đồng hành với “con ngựa sắt” ngược xuôi khắp mọi ngõ ngách kiểm tra lưới, trạm biến áp, hành lang tuyến… để kịp thời phát hiện, hoán chuyển sự lệch pha nhằm giảm sự cố và tổn thất. Có lần đi khắc phục sự cố một trạm biến áp bị cháy trong khu mỏ đá Thiên Bình, khi anh em xử lý xong, điện đóng lên lưới thì đã 3 giờ sáng. Ai nấy mệt nhừ, bụng đói cồn cào mà khu vực này dân cư thưa thớt, hàng quán không có, chỉ uống tạm ngụm nước rồi về.

Cuộc sống và công việc đã tôi luyện cho anh một nghị lực vươn lên, một tình yêu, lòng tâm huyết với nghề.

Thèm hương vị đêm giao thừa

Đều đặn như một quy trình, khi bóng chiều đổ xuống, anh lại tất bật về Tổ trực lập báo cáo cụ thể công việc đã thực hiện trong ngày trình lãnh đạo, nhắc nhở anh em công việc ngày hôm sau. Anh cùng những đồng nghiệp chịu khó tìm tòi, nghiên cứu và đã có nhiều sáng kiến hữu ích nhằm ngăn ngừa được sự cố, tiết kiệm vật tư, công sức, thời gian… Tôi hỏi anh: “Làm người thợ điện cứ lăn lộn ngoài đường, có khi nào anh cảm thấy nản không?”. Sau tiếng cười giòn tan, anh nói: “Thợ điện là thế đấy! Dãi dầu mãi rồi cũng quen, cứ coi những việc ấy như việc của nhà mình là được”.

Anh không nhớ hết mình tham gia bao nhiêu lần các cuộc thi tay nghề giỏi, thợ giỏi. Ngoài những phần thưởng về hoàn thành tốt nhiệm vụ của Điện lực Long Thành, anh còn sở hữu không ít giải thưởng của Công ty, của Tỉnh. Nhận xét về anh công nhân bậc 7/7, Phó giám đốc kỹ thuật Điện lực Long Thành - ông Nguyễn Nam, cho biết: “Anh Cận rất năng động, linh hoạt trong xử lý công việc, là người có trình độ, tay nghề cao và tinh thần trách nhiệm với tập thể”.

Trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề, anh thú thực: “Lâu lắm rồi tôi không được hưởng hương vị của đêm giao thừa bên gia đình”. Tôi nghe mà thấy chạnh lòng. Hạnh phúc của những người thợ như anh là khi thấy ánh điện sáng bừng trong từng nếp nhà, con phố. Khi ấy, những mệt nhọc vơi đi và niềm vui lại đong đầy trong ánh mắt người thợ điện.


  • 06/02/2013 02:33
  • Hoàng Hợp
  • 2619


Gửi nhận xét