Vì sao nhà quản lý cần quan tâm đến thông tin phản hồi từ phía nhân viên?
Tâm lý làm việc của nhân viên ảnh hưởng rất lớn đến không khí làm việc chung của công ty, và không khí này sẽ gây ảnh hưởng tới chính khách hàng, nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh trong ngành mà công ty đang hoạt động. Ngày nay, nhân viên ngày càng phải đối mặt với nhiều mối phiền muộn tại nơi làm việc như: Tranh chấp giữa các nhân viên với nhau, không hài lòng với cấp quản lý…
Đừng vội sa thải những nhân viên tỏ ý không hài lòng. Họ có thể là những người gióng hồi chuông cảnh tỉnh chứ không phải là những "kẻ quấy rối". Mặt khác, những lời phàn nàn trong công ty có thể cung cấp cho bạn những phản hồi có ích. Nhìn chung, lời phàn nàn của nhân viên cũng có giá trị như lời phàn nàn của khách hàng. Những thông tin phản hồi từ nhân viên cần được quan tâm, giống như lời phàn nàn của khách hàng không bao giờ được bỏ ngoài tai.
Hình minh họa
|
Ngoài ra, nhà quản lý sẽ gần gũi hơn với nhân viên của mình, từ đó hiểu và quản lý hiệu quả hơn, dễ dàng thấy những điểm yếu của doanh nghiệp mà khi ngồi ở vị trí trên cao khó nhận thấy. Công việc sẽ được giải quyết một cách hiệu quả và mất ít thời gian hơn nhờ sự trao đổi. Mỗi email, mỗi ý kiến đóng góp, hay một trình bày cá nhân của nhân viên luôn được sếp để tâm và phản hồi cho dù là phản hồi tích cực hay tiêu cực thì cũng giúp cho sự việc được sáng tỏ, không nằm trong tình trạng "lờ mờ" gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.
Nhà quản lý phản hồi nhân viên thế nào cho hiệu quả
Những điều cần chú ý trước khi phản hồi là thời gian, địa điểm đưa ra phản hồi phù hợp nhất là gì? Lời lẽ, thái độ phản hồi như thế nào? Nhất là đối với những phản hồi tiêu cực thì càng phải cân nhắc chú ý kỹ hơn.
Yếu tố mang lại hiệu quả cao của việc phản hồi là tính kịp thời. Vì thế, cần đưa ra ý kiến phản hồi càng sớm càng tốt, chỉ trì hoãn khi cần phải thu thập thêm thông tin cần thiết.
Khi đưa ra lời lẽ phản hồi đối với những trường hợp tích cực thì chỉ cần khuyến khích, khen ngợi trên tinh thần tôn trọng công sức, thời gian, trách nhiệm của nhân viên đó đối với công việc. Điều quan trọng là càng cụ thể càng có tác dụng kích thích và tạo động lực cho nhân viên.
Đối với những phản hồi tiêu cực thì cần thẳng thắn trên nguyên tắc không có ý chỉ trích chê bai mà là chỉ ra cho nhân viên thấy những yếu kém đồng thời cho họ cơ hội để sửa sai. Thái độ thông cảm cũng tạo ra sự thay đổi tiềm ẩn.
Phản hồi của nhà quản lý cần được đưa ra cùng với hướng cải tiến cụ thể. Nếu phản hồi chỉ nêu ra một thực trạng yếu kém nào đó mà không có phân tích để giúp nhân viên hiểu rõ vấn đề và chủ động tự điều chỉnh thì nội dung phản hồi chỉ tạo thêm thách thức cho nhân viên mà thôi. Điều quan trọng là phản hồi của nhà quản trị giúp nhân viên nhanh chóng cải thiện được năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Phản hồi thường xuyên sẽ giúp điều chỉnh chất lượng công việc gần như tức thời.