Sếp Bắc, sếp Nam...

Ba lãnh đạo của 3 doanh nghiệp lớn đã tham dự tọa đàm “Phong cách lãnh đạo – Sếp Bắc với sếp Nam” và đưa ra những cái nhìn sâu sắc, những chia sẻ toàn diện về sự khác biệt trong văn hóa lãnh đạo, nhằm phối hợp mặt mạnh và hạn chế mặt yếu của lãnh đạo hai miền.

Ba nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến , quan điểm của mình về 5 tiêu chí mà lãnh đạo hai miền Nam - Bắc có những nét khác biệt lớn nhất.

Ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc TTT Corporation - sinh ra và khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2013, hơn 70% doanh thu của TTT đến từ thị trường phía Bắc.

Ông Huỳnh Dư An, Phó tổng giám đốc Công ty Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup - sinh ra ở Hà Nội, lớn lên và khởi nghiệp trong Nam.

Hiện nay, ông đang điều hành doanh nghiệp tại Hà Nội.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông FPT - sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, lập nghiệp ở Hà Nội.

Năm nay doanh thu chính của công ty đến từ thị trường phía Nam.

Vai trò thủ lĩnh

Cách giao tiếp thân tình, suồng sã của sếp miền Nam với nhân viên nhiều khi giết chết vai trò thủ lĩnh của người lãnh đạo. Bản thân ông luôn mong muốn có thể dung hòa giữa tính thủ lĩnh chính trị ở miền Bắc và tinh thần “Lương Sơn Bạc” ở miền Nam.

Người miền Bắc, tham vọng trở thành lãnh đạo mang tính tức thời hơn, họ hy vọng được công nhận ngay từ đầu dựa vào bằng cấp và các chức danh.

Người miền Nam chú trọng hơn đến việc chứng tỏ năng lực, mục tiêu. Vì vậy, họ thường tích lũy những thành quả để dành cho một thành công lâu dài.

Tinh thần phục vụ

Lãnh đạo và nhân viên phía Nam có vẻ nhiệt tình và thân thiện hơn, nên đem tinh thần phục vụ của miền Nam ra Bắc để có thể hội nhập tốt hơn văn hóa của hai miền.

Những người gốc Nam thường dễ tính, họ phục vụ khách hàng như phục vụ người thân nên khách hàng sẽ cảm thấy rất gần gũi và thân thiện. 

Ông khá ngưỡng mộ sự phục vụ, mức độ quan tâm và chia sẻ với khách hàng của người miền Nam. Cả sếp và nhân viên đều làm việc với tinh thần vô cùng thoải mái, vui vẻ.

Mức độ chuyên nghiệp

Nếu được chọn thì những công việc đòi hỏi tính chính xác cao ông sẽ chọn nhân viên miền Bắc, còn công việc đòi hỏi sự giao tiếp tốt với khách hàng ông chọn người miền Nam.

Nhân viên miền Bắc thường bằng cấp tốt hơn trong khi nhân viên miền Nam thường tốt nghiệp các khóa học ngắn hạn nên họ chú trọng đến công việc cụ thể và tinh thần phục vụ thân thiện hơn.

Theo ông, chuyên nghiệp không đơn giản chỉ là chuyên làm một công việc và coi đó là nghề nghiệp của mình, mà còn phải đánh giá nhiều hơn ở hiệu quả công việc.
Khả năng nắm bắt cơ hội

Trước những cơ hội đặt ra trước mắt, các sếp Nam thường không suy tính nhiều mà lao vào ngay, họ có thể bước ra với thành công vẻ vang, cũng có thể “sứt đầu mẻ tai”, nhưng kinh nghiệm họ tích lũy được khá bổ ích và họ sẵn sàng lao vào những cơ hội khác.

Sếp Bắc thường suy tính, cân nhắc kỹ càng, họ có thể bỏ qua các cơ hội nhưng một khi đã lựa chọn thì kết quả sẽ cao hơn. Thông thường các sếp Bắc khi vào Nam kinh doanh trước nhiều cơ hội họ chỉ chọn một vài cái, và thường thành công.

 
Khả năng vượt khủng hoảng 

Khả năng vượt qua khủng hoảng của các nhà lãnh đạo cũng như cuộc đua trên đường đua F1. Các xe đua thường không ăn thua nhau ở những đoạn đường trường mà chỉ vượt nhau ở những khúc cua. Người lãnh đạo tốt cũng chính là người có thể đưa ra những quyết định có tính chất bước ngoặt ở những khúc cua như vậy.

Ông An cho rằng trong thời điểm khủng hoảng yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Một lãnh đạo tốt là người tổ chức được đội ngũ nhân viên vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp ngay cả trong giai đoạn khó khăn.

Đối với một lãnh đạo, tố chất thứ nhất chính là bản lĩnh và đặc biệt là sự gan góc của các nhà lãnh đạo khi đưa những quyết định táo bạo trong lúc khó khăn; tố chất thứ hai là sự nhất quán, dám vứt bỏ những thứ không cần thiết, giữ lại những thứ cốt lõi và tìm kiếm cơ hội từ trong khó khăn.


 


  • 26/12/2013 09:55
  • Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 2802


Gửi nhận xét