Sính hàng hiệu, dân sành điệu dễ bị lừa

Lâu nay người tiêu dùng Việt, đặc biệt những người giàu có đã bỏ ra rất nhiều tiền với hy vọng sở hữu sản phẩm hàng hiệu, nhưng vẫn liên tục bị lừa dối bởi những "thương hiệu nhái".

Thêm một lần nữa, một mặt hàng "ngoại nhập” có giá đắt đỏ trở thành tâm điểm của dư luận trong suốt thời gian gần đây - sữa ngoại nhiễm độc. Mặt hàng này một lần nữa được xướng tên vì nó đã phản bội lại niềm tin của người tiêu dùng.

Sau khi có quyết định thu hồi những lô sữa ngoại nhiễm khuẩn từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và không chỉ người tiêu dùng, rất nhiều nhà phân phối, siêu thị và cửa hàng cũng nhanh chóng tẩy chay các sản phẩm này khi nhanh chóng rút khỏi quầy, kệ các mặt hàng bị nghi nhiễm khuẩn. Nhưng qua việc này, không ít người tiêu dùng đã phải thất vọng, thậm chí đau đớn bởi niềm tin của họ đã bị phản bội.

Gucci - Milano mới trải qua một scandal nguồn gốc, chất lượng hàng hóa

Người đời hay bảo “tiền nào của ấy”, tức dịch vụ, chất lượng hàng hóa… mang lại cho người tiêu dùng sẽ tương ứng với số tiền người tiêu dùng bỏ ra, “đắt xắt ra miếng”, nhưng lâu nay người tiêu dùng Việt, đặc biệt những người giàu đã bỏ ra quá nhiều tiền những vẫn cứ liên tục bị lừa dối. Không chỉ liên tục tăng giá mà ngay cả chất lượng hàng hóa các loại hàng hiệu cũng có vấn đề.

Tuy nhiên, đây đâu có phải là lần đầu họ bị những thương hiệu lớn ngoại nhập qua mặt. Hồi cuối năm ngoái (12/2012), một loạt thương hiệu đình đám trong lĩnh vực thời trang nhập ngoại như quần áo, dây nịt, giầy dép hiệu Dolce&Gabbana, Gucci… vốn là thương hiệu “khủng” mà giá trị trong những shop thời trang tại các thành phố lớn ở Việt Nam chỉ được tính bằng ngàn, chục ngàn “đô” rốt cuộc chỉ có giá trị rẻ rúng như những thứ đồ bán nơi vỉa hè vậy.

Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hàng mang mác ngoại nhập tồn tại, thâm chí bành trướng được trên thị trường là do người tiêu dùng chúng ta quá tin, quá yêu hàng ngoại. Họ bất chấp chi phí, công sức, thậm chí bỏ qua những điều phi lý nhất để thỏa mãn cái thú sính hàng ngoại của mình và è cổ ra làm giàu cho những kẻ mạo danh thương hiệu nổi tiếng để trục lợi.

Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày được nâng cao, việc bỏ tiền ra xài hàng ngoại nhập có thương hiệu không có gì đáng phải bàn luận, so đo… cái đáng bàn là người tiêu dùng chúng ta có nên bỏ ra cả một đống tiền thật để mua lại những giá trị ảo (thậm chí giả dối) như vậy không?

Có thể nói, đến lúc này đã xuất hiện ít nhiều sự nghi ngại trong tâm trí những người sính “ngoại”. Nhìn lại thị trường trong nước, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên thực tế đang trở thành động lực kích cầu, khuyến khích người tiêu dùng ở khắp nơi dùng hàng Việt Nam.

Có không ít doanh nghiệp Việt đã thực sự đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng không khác gì hàng ngoại nhập (với mức giá thấp hơn cả chục lần hàng ngoại nhập), đó là một dấu hiệu đáng mừng. Trong bối cảnh hàng loạt các thương hiệu đình đám ngoại nhập đang bị người tiêu dùng nghi ngờ, thậm chí bắt đầu tẩy chay, đây là một cơ hội tốt để hàng trong nước tạo dựng lòng tin.

Tuy nhiên, lộ trình để thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam, nhất là tầng lớp sành điệu coi hàng Việt là sự lựa chọn đầu tiên và ổn định dài lâu của mình chắc hẳn còn xa ngái lắm…

 


  • 20/08/2013 03:20
  • Theo VEF
  • 1705


Gửi nhận xét