Thực thi văn hóa doanh nghiệp tại EVN: Động lực cho phát triển và sáng tạo

Việc biên soạn và ban hành bộ Tài liệu “Văn hóa Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN” đã có tác động tích cực đến kết quả sản xuất - kinh doanh và quản trị doanh nghiệp của Tập đoàn…

Nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp EVN

Trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp đã được hình thành trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Điện, tháng 12/2009, EVN đã ban hành bộ Tài liệu “Văn hóa EVN”. Những nội dung trong tài liệu được coi là “kim chỉ nam” cho hành động và nhận thức của CBCNV, hướng tới hành vi ứng xử chuẩn mực, tích cực tu dưỡng, học tập, hoàn thiện bản thân, chung tay thực hiện sứ mệnh cao cả của Tập đoàn: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện của khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Ngay sau khi bộ Tài liệu “Văn hóa EVN” được ban hành, các đơn vị trong Tập đoàn đã thành lập ban chỉ đạo, biên soạn tài liệu theo những nét văn hóa đặc thù của đơn vị, nhưng nội dung giá trị văn hóa đều nằm trong hệ thống giá trị văn hóa cốt lõi của EVN.

Đến nay, bằng nhiều hình thức thực thi văn hóa doanh nghiệp đa dạng và phong phú như: tập huấn, đào tạo chuyên sâu, tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hội thi... EVN và các đơn vị thành viên đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về thực thi văn hóa doanh nghiệp (VHDN) nói chung, văn hóa EVN nói riêng cho CBCNV và người lao động. Nhiều đơn vị đã trở thành tấm gương điển hình trong thực thi VHDN như: Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Phát điện 1, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, Công ty Thủy điện Ialy, Tổng công ty Điện lực miền Trung...

Theo ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN, sau 7 năm thực hiện (từ năm 2009), thời gian tuy chưa dài, nhưng bộ Tài liệu “Văn hóa EVN” đã có những tác động tích cực, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp của Tập đoàn. Bước đầu, CBCNV ngành Điện đã ý thức được mình là ai, văn hóa của chúng ta là gì...? Những cam kết trong bộ Tài liệu “Văn hóa EVN” đến nay vẫn còn nguyên giá trị và chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện...”.

“Giáo dục VHDN cần phải bắt đầu từ khi tiếp nhận người lao động cho đến khi nghỉ hưu. Đó là một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ. Xây dựng VHDN cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Đảng ủy, Chính quyền, Công đoàn, Đoàn Thanh niên; phải tận dụng mọi diễn đàn để lan tỏa VHDN...”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Đồng phục - nét văn hóa đẹp của các đơn vị trực thuộc EVN

Gắn VHDN với kết quả sản xuất kinh doanh

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành: Văn hóa doanh nghiệp cần phải được triển khai đồng bộ từ trên xuống, theo cả chiều sâu và chiều rộng. Chúng ta cần xác định, mỗi CBCNV là một nhân tố đang thực thi và phản ánh văn hóa của cả đơn vị, rộng hơn nữa là của Tập đoàn và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, uy tín của thương hiệu EVN mà chúng ta đang tạo dựng. Chính vì vậy, mỗi CBCNV Tập đoàn phải trở thành một “đại sứ”, đưa các giá trị văn hóa EVN lan tỏa tới cộng đồng.

5 năm qua, tuy là giai đoạn khởi đầu, là nền tảng, nhưng văn hóa EVN đã từng bước được định hình trong mỗi CBCNV, trong từng đơn vị và Tập đoàn. Việc triển khai VHDN được EVN gắn với mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn, qua đó, tạo động lực sáng tạo và phát triển, xây dựng hình ảnh EVN ngày càng lớn mạnh, uy tín và thân thiện trong mắt khách hàng, cộng đồng xã hội và đối tác.

Một trong những cam kết của “Văn hóa EVN” là đảm bảo đủ điện cho phát triển của đất nước với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, với phương châm “Khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi”, EVN đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện, áp dụng công nghệ hiện đại, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã từng bước xóa bỏ những định kiến  về một DNNN “độc quyền”, trở thành doanh nghiệp phục vụ, tận tâm và trách nhiệm.

Tinh thần tương thân, tương ái, vì sự phát triển cộng đồng cũng đã và đang trở thành một trong những nét đẹp của văn hóa EVN với nhiều hoạt động thiết thực vì cộng đồng xã hội như, hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu (Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ) xóa đói, giảm nghèo theo chương trình 30a của Chính phủ; vượt qua những khó khăn về vốn, triển khai các dự án đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo...; hỗ trợ các địa phương xây dựng trường học, cầu đường, nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt...

Văn hóa EVN còn được thể hiện trong cam kết về bảo vệ môi trường. Theo đó, EVN  ưu tiên sử dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ “xanh, sạch” thân thiện với môi trường. Tập đoàn cũng luôn hưởng ứng, động viên, khuyến khích toàn thể CBCNV nâng cao nhận thức và tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ gìn và phát triển môi trường sống tại cơ quan cũng như trong cộng đồng...

Sau 7 năm thực thi VHDN, hình ảnh một EVN uy tín, thân thiện, tận tâm đang dần được hình thành trong mắt khách hàng sử dụng điện, các đối tác và cộng đồng xã hội. Phát huy những thành quả đó, hơn một vạn CBCNV và người lao động Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực, hoàn thiện bản thân, chung tay xây dựng một EVN lớn mạnh với bản sắc văn hóa riêng, tạo nên giá trị bền vững của một Tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế...

Hệ giá trị cốt lõi của văn hóa EVN

Tầm nhìn: EVN là tập đoàn kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực, đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Sứ mệnh: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện của khách hàng với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Khẩu hiệu: EVN thắp sáng niềm tin.

Giá trị cốt lõi: Chất lượng - Tín nhiệm, Tận tâm - Trí tuệ, Hợp tác - Chia sẻ, Sáng tạo - Hiệu quả.

 


  • 27/05/2016 02:41
  • Nguồn:Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 18343