Rất đơn giản. Bạn khiển trách anh ta thật nghiêm khắc, cắt thưởng, thậm chí có thể còn giáng chức nếu anh ta đang giữ một trọng trách nào đó trong công ty. Hẳn rồi, thưởng phân minh, phạt dứt khoát! Rồi anh ta có cơ hội sửa sai, hoặc lập công chuộc tội!
Về cơ bản, các nhà tư vấn tâm lý kinh doanh thường khuyên như vậy. Thế nhưng, nhân tố con người luôn mang trong mình những điều bất ngờ, nằm ngoài dự đoán. Vì thế, giải quyết việc này hóa ra chẳng đơn giản chút nào.
Ông William Thompson, Tổng Giám đốc công ty PIMCO, kể một câu chuyện cũ cách đây đã hơn 30 năm về sai lầm của mình, khi ông còn là nhân viên của ngân hàng Salomon Brothers (Mỹ).
Ông là chuyên gia giỏi trong lĩnh vực tài chính, được cấp trên kỳ vọng. Sau khi phạm sai lầm (khi ấy ông còn trẻ), ông đã không giữ được bình tĩnh và hoàn toàn mất lòng tin vào khả năng của mình. Việc bị phạt, thậm chí có thể bị sa thải không mấy có ý nghĩa đối với một nhân viên trẻ đầy tự trọng.
“Tôi gần như sống trong màn sương mù, không suy nghĩ sáng suốt được điều gì, tôi muốn nộp đơn xin nghỉ việc” – ông kể như vậy.
Bấy giờ, cấp trên trực tiếp đã ngồi cùng ông để mổ xẻ sai lầm đó và cho rằng, sai sót sẽ là kinh nghiệm cần thiết của một chuyên gia trẻ. “Thất bại cũng quý giá như thành công, vì nó giúp ta tránh thất bại lớn hơn để đạt được thành công lớn hơn”.
Ông ta còn nói: “Nếu không có anh, thương vụ này chưa chắc đã bắt đầu được chứ chưa nói đến việc thành công!”. Sếp của Willima Thompson đã lấy lại niềm tin vào chính bản thân mình cho cộng sự trẻ.
Chỉ đến khi thấy rõ chàng trai đã “hoàn hồn”, lấy lại được tinh thần làm việc, ông mới nói đến chuyện cắt thưởng, phạt lương. Và điều này, đương nhiên, rất công bằng.
Về sau, vẫn tiếp tục thương vụ cũ, William Thompson đã lấy lại cho công ty hơn gấp nhiều lần những gì ông làm hỏng.
Hãy thầm chia các nhân viên của mình theo nhóm tuổi và năng lực. Với những người trẻ tuổi xốc nổi, dễ bi quan khi lần đầu tiên thất bại, bạn đừng tiếc một lời động viên chân thành.
Hơn thế, bạn có thể thẳng thắn vạch ra những điểm mạnh ở anh ta mà bạn đánh giá cao. Quan niệm “không khen nhiều, sợ nhân viên hư người, kiêu ngạo” không hẳn đã đúng. Như William Thompson, khi đã trở thành tổng giám đốc PIMCO, ông luôn đề nghị những nhân viên có thâm niên thận trọng trong cách xử sự với lớp trẻ.
Bằng kinh nghiệm riêng của mình, ông hiểu rằng, một lời sếp nói ra khi nhân viên phạm lỗi có ảnh hưởng thế nào đến tâm lý, lòng tin và đôi khi là cả sự nghiệp mới bắt đầu của một nhân viên giỏi.