Đào tạo văn hóa doanh nghiệp mang lại những lợi ích gì?

Làm thế nào để CBCNV thấu hiểu và thực thi văn hóa doanh nghiệp? Hoạt động đào tạo mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp và người lao động?

Giúp nhân viên thấu hiểu giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Đây là một lợi ích lớn của việc đào tạo văn hóa doanh nghiệp. Khi nhân viên hiểu rõ giá trị cốt lõi, họ sẽ thấu hiểu được mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp, đồng thời có thể ứng dụng các giá trị đó vào trong công việc hàng ngày. Điều này giúp tăng chuyên môn hóa trong công việc, nhân viên làm việc hiệu quả hơn và giải quyết các vấn đề một cách chuyên nghiệp hơn.

Kết nối, phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận

Khi nhân viên hiểu rõ các mục tiêu và giá trị của doanh nghiệp, họ sẽ có xu hướng chủ động hơn trong việc hợp tác và chia sẻ thông tin với các đồng nghiệp trong cùng một tổ chức, tạo ra sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các bộ phận.

Ngoài ra, việc phối hợp hiệu quả cũng giúp tránh những xung đột nội bộ và giảm thiểu thời gian, chi phí cho các hoạt động không hiệu quả. 

Chìa khóa chiêu mộ và giữ chân nhân tài

Khi đầu tư vào đào tạo văn hóa doanh nghiệp, DN có thể tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, giúp thu hút và giữ chân nhân tài.

Có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ giúp nhân viên cảm thấy đang được làm việc trong một môi trường tích cực, nơi có sự tôn trọng, cống hiến và phát triển cá nhân. Điều này sẽ tăng độ hài lòng và sự cam kết của nhân viên đối với doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu rủi ro nhân viên bỏ việc hoặc tìm kiếm công việc mới.

Xây dựng môi trường làm việc tích cực, tăng hiệu suất công việc

Lợi ích của việc đào tạo văn hóa doanh nghiệp là giúp xây dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết, một môi trường làm việc có sự chia sẻ ý tưởng, giúp giảm áp lực cá nhân và gia tăng sự hợp tác. 

Nhân viên sẽ tận tâm với công việc hơn khi họ cảm thấy đang làm công việc có ý nghĩa, đang thực sự cống hiến cho sứ mệnh chung và tự hào là một phần của tổ chức. Đồng thời, sẽ cảm thấy được tôn trọng và được khuyến khích đóng góp ý kiến của mình để cải thiện công việc, góp phần tăng tính sáng tạo, tăng năng suất làm việc cũng như giảm thiểu các xung đột. 

Tạo nên những di sản văn hóa riêng biệt của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới với những mô hình, hệ thống quản trị như 5S, Kaizen,… Họ đã làm tốt việc đào tạo văn hóa doanh nghiệp theo mô hình mà họ đúc kết và nâng chúng thành một công cụ quản trị mang tính toàn cầu. 

Nếu xây dựng được những giá trị văn hóa đặc trưng, đào tạo văn hóa doanh nghiệp hiệu quả, duy trì và phát huy nền tảng văn hóa ấy theo thời gian sẽ tạo nên những di sản văn hóa mang tính lịch sử. Khi một giá trị văn hóa trở thành di sản, chúng trở thành một nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

“Bắc cầu” để ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại

Trước khi ứng dụng những công cụ quản trị hiện đại, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải xây dựng thành công nền tảng văn hóa doanh nghiệp phù hợp.

Tuy nhiên, xây dựng chỉ là bước đầu, hoạt động đào tạo văn hóa doanh nghiệp là vô cùng cần thiết để đội ngũ thấm nhuần văn hóa, cài đặt tư duy mới. Các nguyên tắc văn hóa lúc này trở thành kim chỉ nam cho quá trình hiện thực hóa tầm nhìn, chiến lược và trở thành cầu nối cho các công cụ quản trị phát huy hiệu quả. 
 


  • 10/10/2023 10:50
  • Theo Tạp chí Điện lực quý III/2023
  • 5785